Bắt đầu từ bức tranh chung của kinh tế thế giới, dịch Covid-19 đã làm gãy đứt chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này có tác động không nhỏ đến nền kinh tế mỗi quốc gia và lĩnh vực bất động sản phải chịu tác động mạnh mẽ nhất.
Theo báo cáo, quý I/2020 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường quý I đã ghi nhận tổng sản phẩm chào bán trên cả nước (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt 53.236 sản phẩm. Giao dịch đạt 7.641 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ 14%.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường vẫn còn nhiều tín hiệu lạc quan khi Việt Nam đã có những biện pháp xử lý dịch bệnh. Quy luật cho thấy, sau khó khăn, thị trường lại khởi sắc, nếu biết đón sóng, biết điểm rơi của thị trường thì Covid 19 lại là thời cơ tốt cho nhà đầu tư.
Để giúp thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã có kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tháo gỡ cho các DN tập trung vào lĩnh vực tín dụng và thuế.
Theo đó, VNREA đề nghị các ngân hàng thương mại cần có phương án giảm lãi suất, xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ cho DN và có gói vay với lãi suất ưu đãi cho DN phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đề xuất giãn thời gian nộp các nghĩa vụ vào ngân sách Nhà nước 6 tháng đối với mỗi kỳ nộp sau 1 năm dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát; miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi DN đã nộp đủ thuế; giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát, giảm thuế VAT và lùi thời gian nộp thuế…
Trong nguy có cơ
Nhận định về thị trường bất động sản thời gian tới, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, trong bất cứ thị trường nào cũng đều tồn tại hai mặt cơ hội và rủi ro. Trong bối cảnh thị trường sắp tới cũng vậy, sẽ có sự đan xen giữa khó khăn và cơ hội.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CenGroup cho hay, trong mùa dịch Covid-19, các doanh nghiệp đều gặp khó khăn dù ít hay nhiều. Tuy nhiên, vấn đề quan trong là doanh nghiệp phản ứng như thế nào cũng như làm sao để duy trì được hoạt động của mình.
Mỗi doanh nghiệp đều có một phương án khác nhau, có doanh nghiệp “ngủ đông”, có doanh nghiệp gồng mình lên để chịu đựng hoặc chịu sức nén để bật dậy khi dịch đi qua. Phương án nào cũng cho thấy động lực để mỗi doanh nghiệp, doanh nhân bền bỉ hơn, vững chắc hơn và kiên cường hơn bao giờ hết.
Cũng theo ông Hưng, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có những sản phẩm bất động sản dừng giao dịch nhưng vẫn có sản phẩm duy trì giao dịch như sản phẩm nhà ở thu nhập thấp, nhà ở chung cư giao dịch có thấp hơn trước đây, sản phẩm biệt thư liền kề vẫn giao dịch bình thường. Vì ở những sản phẩm này, những nhà đầu tư có tầm nhìn rộng họ vẫn tranh thủ cơ hội khuyến mại giảm giá trong mùa dịch hoặc họ nhận thấy ý nghĩa của việc phải có một môi trường sống tốt, đảm bảo sức khoẻ.
Mặc dù số liệu của Bộ Xây dựng, của Hội Môi giới bất động sản cũng cho thấy lượng giao dịch của toàn thị trường giảm rất sâu tới 30% và có tới 80% sàn đóng cửa. Nhưng có thể thấy 20% sàn giao dịch còn lại vẫn tồn tại và đảm bảo duy trì lượng giao dịch cũng như tiếp quản được thị trường và thực hiện giao dịch thành công.
“Trong quý I vừa qua, dù kết quả kinh doanh có xấu hơn so với cùng kỳ năm 2019 nhưng không phải là chúng tôi không có doanh thu. Chúng tôi cũng như rất nhiều doanh nghiệp khác chủ động trong kế hoạch kinh doanh mùa dịch thay vì bị động ngồi đợi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đương nhiên, hỗ trợ là rất quý nhưng doanh nghiệp chủ động tìm phương án vượt khó sẽ trụ lại thị trường tốt hơn”, ông Hưng khẳng định.
Dù chịu nhiều tác động không quá tích cực của tình hình dịch bệnh, nhưng theo kịch bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP cả nước trong năm nay chỉ tăng 5,96%, giảm hơn 0,8% so với mục tiêu đề ra và thấp nhất trong 7 năm gần đây. Ngay cả trong trường hợp đó, tăng trưởng của Việt Nam vẫn nằm trong top đầu khu vực và triển vọng có sự hỗ trợ lớn từ các yếu tố vĩ mô khác như lạm phát thấp, FDI tăng trưởng kỷ lục, nhiều hiệp định thương mại tự do mới được ký kết, hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung…
Bên cạnh đó, nhờ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam đã tạo ấn tượng tốt trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Xét về dài hạn, nếu thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, BĐS Việt Nam còn có cơ hội đón đầu luồng khách du lịch cũng như nguồn vốn đầu tư lớn từ các nước.
Với những điểm sáng trên, thị trường bất động sản được kỳ vọng là sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn để bứt phá sau đại dịch.
Nhật Hạ (t/h)