Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý I, nguồn cung đã bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Chẳng hạn, số lượng căn hộ du lịch được nghiệm thu và đưa vào sử dụng chỉ bằng 9% so với quý IV/2019; biệt thự du lịch cũng không có thêm sản phẩm mới nào trong cả quý.
Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Khánh Hòa cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các khách sạn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng từ các nhóm khách đoàn, khách lẻ, khách doanh nghiệp.
Giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại Nha Trang cho biết, BĐS Nha Trang – Khánh Hòa gắn với du lịch, vì thế khi du lịch bị ảnh hưởng thì thị trường BĐS chịu tác động mạnh nhất. Hàng chục nghìn căn hộ nghỉ dưỡng gắn với khách du lịch (condotel) không có khách hoặc ít khách dẫn tới lợi nhuận cho thuê bị ảnh hưởng, gây tâm lý hoang mang.
Sau thời gian cách ly xã hội, khoảng đầu tháng 5 trở lại đây cho thấy, các khu nghỉ dưỡng lớn đã sẵn sàng hoạt động trở lại. Cùng với đó, nhiều địa phương cũng đã mạnh dạn hơn trong việc tung ra các chương trình kích cầu du lịch trên quy mô lớn.
Những ngày đầu tháng 5, tạp chí Travel and Leisure của Mỹ đưa ra gợi ý 17 điểm đến du khách nên ghé thăm sau dịch Covid-19 trên toàn thế giới. Đây đều là những điểm đến có thiên đường biển ngập nắng và ẩm thực đường phố hấp dẫn, hứa hẹn thu hút du khách sau dịch.
Trong đó, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi của châu Á góp mặt trong danh sách này. Đây được coi là tín hiệu tốt cho du lịch trong nước, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việt Nam đang nổi lên là một trong những quốc gia chống dịch thành công nhất và “nhanh chân” phục hồi kinh tế.
Ở góc độ lạc quan, nhiều chuyên gia đánh giá du lịch Việt Nam sẽ đón những cơ hội “quý như vàng” ở giai đoạn thế giới dần phục hồi kinh tế. Điều này giống như chiếc lò xo bị nén lại bởi dịch, chuẩn bị bật lên.
Ngành du lịch hứa hẹn được hưởng nhiều lợi ích, kéo theo các ngành khác như vận chuyển, lưu trú, ăn uống và cả bất động sản cùng chung đón sóng phục hồi kinh tế.
Theo Bloomberg News, cách tiếp cận của Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ ca ngợi. Thậm chí, hãng tin Reuters cũng đã liên lạc với quản lý của 13 nhà tang lễ tại Hà Nội để xác minh. Và tất nhiên, tất cả đều xác nhận không có sự gia tăng về số ca tử vong.
Không chỉ tạo ấn tượng sâu sắc về cả chính trị cũng như y tế, những thành tựu của Việt Nam còn tạo ra một bước đệm cho sự phục hồi kinh tế đất nước, đặc biệt là trong ngành du lịch nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng.
Bước đầu, ngành du lịch Việt Nam sẽ đón làn sóng khách du lịch nội địa sau dịch COVID-19. Mới đây, chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động, được kỳ vọng sẽ trở thành động lực cho sự bứt phá của thị trường du lịch nội địa.
Một trong những mục tiêu của chương trình là kêu gọi các Ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp… ngồi lại với nhau cho ra những sản phẩm thật hấp dẫn, khuyến khích tinh thần yêu nước và sự phấn khích của người Việt với cảnh đẹp quê hương, ủng hộ doanh nghiệp nội.
Giai đoạn phục hồi thứ hai sẽ là sự trở lại của du khách nước ngoài khi lệnh cấm các chuyến bay được dỡ bỏ và các quốc gia kết nối được xem là an toàn. Trung Quốc và Hàn Quốc có thể sẽ là những quốc gia được ưu tiên mở lại trước do đây là những thị trường khách quốc tế chính của Việt Nam đồng thời cũng là những quốc gia có số ca nhiễm giảm đáng kể.
Lượng khách du lịch dần trở lại, thì đó cũng là lúc các nhà đầu tư bắt đầu “ngó nghiêng” các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng đã “thành hình”, có thể khai thác. Nhất là dự án của các chủ đầu tư lớn, có uy tín, tiềm lực tài chính tốt, có kinh nghiệm vận hành, kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, có nguồn khách ổn định.
Và tất nhiên, cung luôn đi đôi với cầu. Để đón đầu xu hướng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, các chủ đầu tư chắc chắn sẽ thúc đẩy các hoạt động giao dịch với chính sách ưu đãi hấp dẫn, qua đó tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh cho một thị trường vốn đã “đóng băng” trong thời gian dịch bệnh.
Tại diễn đàn đầu tư bất động sản: Rủi ro và cơ hội, ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đã và đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước hướng tới. Tiềm năng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam còn rất lớn bởi tăng trưởng kinh tế cao và cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn.
P.V (tổng hợp)