Cụ thể, tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,21%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 1,57%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 2,51%). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 3,82% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại TP.HCM giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,50% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 2,75%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 3,72%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 3,78%). Với nhà ở riêng lẻ, giá tăng khoảng 8,36% so với cùng kỳ năm 2019.
Đánh giá về diễn biến trên thị trường hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, lượng giao dịch trong quý I/2020 giảm mạnh cũng là điều dễ hiểu do vấn đề về dịch bệnh. Bên cạnh đó, do quyết định giãn cách xã hội các sàn giao dịch bất động sản phải tạm dừng hoạt động, các nhà đầu tư ưu tiên giữ tiền để phòng tránh rủi ro.
Trong khi đó, nhu cầu mua nhà của người dân hiện nay là rất lớn, đặc biệt là các phân khúc nhà ở, căn hộ tầm trung dưới 2 tỷ đồng nhưng nguồn cung hiện còn hạn chế nên theo chuyên gia thời gian tới thị trường sẽ sôi động hơn.
Lý giải về nguyên nhân lượng giao dịch giảm nhưng giá nhà lại tăng, một số chuyên gia cho rằng do khan hiếm nguồn cung.
Cụ thể, trao đổi với Infonet, ông Nguyễn Thế Điệp – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Hưng Thịnh Phát cho hay, thị trường bất động sản Việt Nam đang ở giai đoạn cao điểm của đô thị hóa nên nhu cầu nhà ở cao.
Tuy nhiên, 2 năm gần đây, ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM các dự án bất động sản chậm được triển khai do các đợt thanh kiểm tra của cơ quan quản lý. Điều này dẫn đến nguồn cung đầu vào của thị trường bất động sản đang chững lại, thiếu nguồn cung.
“Nguồn cung ít, giao dịch giảm nhưng giá giá không giảm mà tăng là do khan hàng, nhất là phân khúc căn hộ giá rẻ và bình dân. Vì thế, giá nhà tăng là đương nhiên, không có gì lạ của thị trường”, ông Điệp nói.
Trước tình hình này, ông Điệp cho rằng, cơ quan chức năng cần nhanh chóng giải quyết về thủ tục hành chính cho các dự án của chủ đầu tư để cải thiện nguồn cung, để thị trường bất động sản không bị gãy khúc hay chững lại.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp khác, nguyên nhân khiến các chủ đầu tư buộc phải “giữ giá”, thậm chí có dự án tăng giá là do giá đầu vào sản phẩm đã cao cùng với nhiều chi phí khi xây dựng dự án thì không thể giảm giá. Việc giảm giá không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu, kế hoạch tài chính, thậm chí có thể còn ảnh hưởng đến uy tín, nhìn nhận của thị trường đối với doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp buộc phải giữ giá hoặc tăng giá, còn để kích cầu thị trường thì doanh nghiệp sẽ đưa ra các gói ưu đãi hoặc chương trình khuyến mại từng giai đoạn.
Trong khi đó, giải thích về điều này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, khối lượng giao dịch trong quý 1/2020 giảm mạnh không phải do nhu cầu giảm, mà là do người dân “ngại” đi mua nhà vì sợ lây nhiễm dịch bệnh.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn quý 1/2020, do quyết định giãn cách xã hội đã buộc các sàn giao dịch BĐS phải tạm dừng hoạt động, các dự án đang thi công và hoàn thiện cũng phải ngừng xây dựng. Vì vậy, khối lượng giao dịch giảm là điều có thể dự báo từ trước.
Trên thực tế, theo ông Đính, nhu cầu mua nhà của người dân hiện nay là rất lớn, đặc biệt là các phân khúc nhà ở, căn hộ tầm trung dưới 2 tỷ đồng.
“Chỉ riêng Hà Nội, có hàng triệu người chưa có nhà ở và rõ ràng, đây chính là đối tượng khổng lồ của thị trường BĐS. Đó là còn chưa tính đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người lao động mới về Thủ đô hằng năm”, ông Đính chia sẻ.
Tuy nhiên, trong vòng 2 năm gần đây, do nhiều địa phương đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra các dự án BĐS nên khiến cho thị trường thiếu hụt nguồn cung. Kết hợp 2 yếu tố nhu cầu ngày càng tăng, nguồn cung lại hạn chế đã khiến giá căn hộ tăng mạnh sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Nhật Hạ (t/h)