Mặc dù đưa vào khai thác sử dụng khá lâu, song nhiều khu đô thị mới tại Hà Nội hiện nay vẫn trong tình trạng thiếu trường học. |
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, nhiều dự án Khu đô thị mới, khu nhà ở tại Hà Nội có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học nhưng trên thực tế, khi xây dựng, các chủ đầu tư dường như không thực hiện. Việc chậm trễ hay nói đúng hơn là xây nhà “ quên” trường đã khiến cho nhiều Khu đô thị mới rơi vào tình trạng thiếu trường học nghiêm trọng.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, việc xây khu đô thị “quên” trường học diễn ra tại nhiều khu đô thị, cụ thể như: Khu đô thị mới Cầu Bươu, Khu đô thị Thành phố giao lưu, Khu nhà ở để bán nhà ở Vĩnh Hoàng, Khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp, Khu đô thị mới Cổ Nhuế – Xuân Đỉnh, Khu chức năng đô thị Ao Sào…
Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư xây dựng trường học trong các Khu đô thị mới, đặc biệt tại các quận trung tâm đã được chủ đầu tư chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư thứ cấp nhưng cũng trong tình trạng chậm triển khai như Khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm quy hoạch 6 ô đất xây dựng trường học, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 01 công trình trường tiểu học được đưa vào khai thác, sử dụng.
Chung tình trạng này, Khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp quy hoạch 6 lô đất xây dựng trường học gồm nhưng chỉ có 1 lô đất hoàn thành xây dựng trường Mầm non, 1 lô đất đang thực hiện chuẩn bị đầu tư xây dựng trường tiểu học, còn vị trí đất xây dựng trường THPT lại đang vướng Nghĩa Trang… Sự chậm trễ này đã và đang tạo áp lực không nhỏ cho địa phương, xã hội và cộng đồng.
Có thể nói câu chuyện xây dựng Khu đô thị “quên” trường học không phải là câu chuyện mới nhưng không hiểu vì sao, dù đã nhiều lần được Quốc hội, cử tri và các diễn đàn “lên án”, nhưng bất cập này vẫn chưa dừng lại.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch thường trực CLB bất động sản Hà Nội cho rằng, quy hoạch trường học tại các dự án là có, tuy nhiên, vì nhiều lý do nên nhiều chủ đầu tư dự án đã “lờ”, thậm chí “quên” luôn việc triển khai thực hiện việc xây dựng trường học.
“Bản chất vấn đề này đã quá rõ ràng, thực tế khi phê duyệt quy hoạch bao giờ cũng có trường học, nhưng trong quá trình thực hiện, có thể chủ đầu tư lại xin điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh phân khu, bỏ phần nọ, tăng phần kia để làm việc khác nên “vô tình” trường học lại bị bỏ quên”, ông Điệp phân tích.
Nhiều chủ đầu tư mải xây nhà, “quên” xây trường học. |
Cũng theo Phó Chủ tịch thường trực CLB bất động sản Hà Nội, việc nhiều Khu đô thị thiếu trường học, lỗi này đầu tiên thuộc về chủ đầu tư dự án. Nhưng mặt khác, cũng cần phải làm rõ vai trò, trách nhiệm của cán bộ quản lý, cơ quan quản lý và trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giám sát.
Để giải quyết tình trạng thiếu trường học, ông Điệp cho rằng cần phải truy trách nhiệm từng đơn vị, từng cấp quản lý và địa phương nơi dự án triển khai:
“Nếu chủ đầu tư làm sai thì phải quy trách nhiệm và phải có chế tài xử phạt nặng, chứ không thể để anh thích làm gì thì làm. Tại sao quy hoạch có mà lại không xây dựng, vai trò nhà quản lý ở đâu? Cần truy trách nhiệm từ bộ phận, từng cấp, kể cả cơ quan cho điều chỉnh quy hoạch. Trách nhiệm của doanh nghiệp đến đâu, cơ quan quản lý có vai trò như thế nào, cần phải làm rõ thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề”.
Theo Thanh Trà/Báo Xây dựng