Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2020 đạt 12,33 tỉ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019. Dù vốn đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh tăng hơn so với cùng kỳ, song góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài lại giảm mạnh.
Nếu xét về giá trị, vốn đăng ký 4 tháng đầu năm nay vẫn tăng so với cùng kỳ các năm 2016-2018 (tăng 52,3% so với năm 2018, tăng 16,4% so với năm 2017 và tăng 79% so với năm 2016).
Có tổng cộng 984 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 6,78 tỉ USD, giảm 9,1% về số dự án và tăng 26,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Vốn đầu tư tăng là có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn 4 tỉ USD, chiếm 59% tổng vốn đăng ký mới.
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 3.210 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị gần 2,48 tỉ USD, tăng 32,9% số lượt góp vốn, mua cổ phần nhưng chỉ bằng 34,7% so với cùng kỳ.
Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 6 tỉ USD, chiếm 48,4% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp đó là các lĩnh vực sản xuất, phân phối điện; bán buôn bán lẻ và hoạt động kinh doanh bất động sản…
Hiện Singapore là quốc gia dẫn đầu tính theo đối tác đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 5,07 tỉ USD, chiếm 41,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; tiếp theo là Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,…
Tính đến ngày 20-4, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 5,15 tỉ USD, bằng 90,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Trang Bùi, Giám đốc thị trường JLL cho rằng, hiện nay BĐS công nghiệp, logictics đang được NĐT nước ngoài quan tâm. Các NĐT chuyên sâu không thay đổi chiến lược vào thị trường Việt Nam chỉ vì dịch bệnh.
Theo bà Trang, ở phân khúc khách sạn mặc dù đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covi-19, tỉ lệ lấp đầy hiện tại chỉ khoảng 10% hoặc thấp hơn, hoặc phải đóng cửa. Khá nhiều NĐT phân khúc này cần tiền muốn bán tài sản ra. NĐT nước ngoài xem xét để mua vào với giá hợp lý.
Còn ở phân khúc căn hộ, theo bà Trang nhu cầu của người mua nước ngoài cũng khá lớn. Tuy vậy, trong ngắn hạn giao dịch chưa tăng do dịch bệnh, họ đang xem xét diễn biến của thị trường Việt Nam như thế nào để quyết định đầu tư.