Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản (BĐS) cho hay, đang có làn sóng đầu tư dự án tại các tỉnh ven Hà Nội và cho rằng, nhà đầu tư và người dân cần cảnh giác với các cơn sốt đất ảo, ăn theo thương hiệu của nhiều tập đoàn lớn…
Không riêng gì những thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM, Đà Nẵng,… có thị trường BĐS phát triển, mà xu hướng đầu tư vào các dự án BĐS nghìn tỷ còn đang diễn ra mạnh mẽ ở các tỉnh, thành phố nhiều tiềm năng trên khắp cả nước.
Đang có làn sóng đầu tư dự án tại các tỉnh ven. |
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lương Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hưng Yên cho biết: Ngoài Ecopark (499 ha) doanh nghiệp đang triển khai, có khá nhiều nhà đầu tư đã nghiên cứu, lập dự án mới với tổng diện tích đất dự kiến lên tới hơn 2000 ha trong vài năm tới. Dự án tập trung vào khu vực huyện Văn Giang, Mỹ Hào và thành phố Hưng Yên. Nhiều tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup, T&T, Mik, Hòa Phát… cũng đang nghiên cứu, đầu tư vào các dự án đô thị tại Hưng Yên.
Theo ông Nguyễn Tiến Tài, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh, do quy hoạch và chương trình phát triển đô thị của tỉnh đã hoàn tất nên đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu lập dự án. Ông Tài kỳ vọng trong thời gian không xa, Bắc Ninh sẽ có những dự án đô thị quy mô lớn. Tuy nhiên, ông Tài cũng cho rằng, do giá đất giải phóng mặt bằng tại Bắc Ninh cao hơn nhiều so với một số địa phương nên nhiều nhà đầu tư thường chọn Hưng Yên và một số tỉnh khác.
Ngay tại Hà Nội, nhiều nhà đầu tư khởi động “cuộc chơi” mới tại các huyện trước đây được xem là xa trung tâm như Thạch Thất, Đan Phượng, Mê Linh, Hoài Đức…
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho hay, Hà Nội đang triển khai nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, cụ thể là thúc đẩy phát triển sang khu vực phía Bắc sông Hồng như Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh.
Bình luận về xu hướng này, một chuyên gia có kinh nghiệm quan sát thị trường bất động sản phía Nam, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, năm 2019 thị trường chứng kiến không ít các dự án đang gặp vấn đề vướng mắc về pháp lý khiến nguồn cung bị chững lại, không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
“Thực tế trên khiến cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân tìm hướng đi mới hướng đến các phân khúc khác, địa phương khác có nhiều tiềm năng để phát triển. Cụ thể các phân khúc như đất nền, các tổ hợp dự án nghỉ dưỡng hay khu đô thị đồng bộ là những gì nhà đầu tư quan tâm tại thị trường tỉnh lẻ”, TS. Đinh Thế Hiển phân tích thêm.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, cơ hội và tiềm năng của bất động sản các tỉnh lân cận đô thị lớn vẫn đang mở rộng như vậy song giới phân tích cũng đưa ra khuyến cáo cần cân nhắc kỹ khi chọn mua nhà đất ngoại tỉnh bởi không phải khu vực nào cũng có nhu cầu cao.
Thêm vào đó, do diện tích đất đai rộng lớn, những khu vực có thanh khoản cao không nhiều. Dù giá mềm nhưng nếu không phù hợp với đặc tính của dân cư trong tỉnh thì việc ra hàng sẽ rất khó khăn. Không ít dự án phân lô bán đất xong rồi bỏ hoang hoặc thay đổi quy hoạch ban đầu, mà người gánh chịu rủi ro không ai khác chính là khách hàng.
Hơn nữa, tại các thành phố lớn, với lượng người có nhu cầu mua nhà cao, nếu nhà đầu tư lỡ ôm đất giá cao thì vẫn có thể bán lỗ để thu vốn. Ngược lại, ở các tỉnh lẻ, nếu đầu tư vào khu vực không phù hợp sẽ khó tìm được người mua dù có bán lỗ.
Bài học mới nhất là cơn sốt đất ảo xảy ra tại xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất (Hà Nội) ăn theo thông tin về 2 dự án của một tập đoàn lớn đề xuất nghiên cứu, triển khai hồi tháng 3 vừa qua. Ngay sau đó, giá đất ven khu vực dự án tăng chóng mặt, cò tạo sóng đẩy giá khiến không ít người bị thua lỗ vì chỉ sau vài tuần giá đất đã trở về với điểm xuất phát ban đầu.
Nhiều người ôm “trái đắng” từ cơn sốt đất chóng vánh ở Đồng Trúc. |
Hay như trước đó không lâu, câu chuyện sốt đất ở Bình Ba, huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng khiến nhiều người rơi vào cảnh trắng tay.
Theo các chuyên gia, việc ăn theo tin các dự án để đầu tư đất nền chờ sóng, đặc biệt tại thời điểm hiện nay, theo các chuyên gia là vô cùng rủi ro. Nguyên nhân là do dự án mới đang trong giai đoạn nghiên cứu. Do đó, nếu nhà đầu tư “ôm đất” có thể sẽ bị kẹt hàng. Trong khi đó, thời gian qua, giá đất tại Vũng Tàu đã thiết lập mặt bằng mới. Việc “ôm hàng” giá cao càng khiến nhà đầu tư dễ hứng rủi ro và chôn vốn.
P.V (tổng hợp)