Trong báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản TP HCM quý II, CBRE Việt Nam cảnh báo hiện nay giá bất động sản tại các tỉnh giáp ranh, lân cận Sài Gòn như Đồng Nai, Long An, Bình Dương khá cao.
Các đợt mở bán sôi động và vẫn được hấp thụ tốt. Nhiều khu đô thị tọa lạc ở các tỉnh vùng ven được hình thành dọc các trục giao thông lớn kết nối với TP HCM, tỷ lệ bán 70-100%. Tuy nhiên, chỉ có 10% người mua nhà đất vùng ven với mục đích để ở, 90% còn lại là nhà đầu tư, thậm chí là đầu cơ.
Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam, Phạm Ngọc Thiên Thanh cho biết, sự hình thành của các khu đô thị quy mô lớn từ vài chục đến vài trăm ha với đa dạng loại hình được xem là điểm nhấn đáng chú ý tại thị trường nhà ở các tỉnh lân cận TP.HCM. Các khu đô thị này được hình thành dọc theo các tuyến giao thông kết nối TP.HCM và các tỉnh thành.
Những dự án khu đô thị này đã chào bán một số giai đoạn với tỷ lệ bán đạt 70-100%. Tuy nhiên, trong tương lai gần các khu đô thị này phải đối mặt với thách thức rất lớn khi theo khảo sát của CBRE, chỉ có 10% người mua tại các khu đô thị vùng ven với mục đích để ở, 90% còn lại là nhà đầu tư.
“Bài toán làm sao để thu hút được cư dân về sinh sống tại những khu đô thị này rất khó khăn. Chỉ trong một vài năm tới rất có thể thị trường sẽ chứng kiến những khu đô thị dù đã bán xong nhưng không có người về sinh sống”, bà Thanh đặt vấn đề.
Theo khảo sát của CBRE, phần lớn các nhà đầu tư các nhân đến từ TP.HCM mua bất động sản ở các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An, Bình Dương là để đầu tư. Họ tìm kiếm các sản phẩm bất động sản và “xuống tiền” từ giai đoạn đầu tiên, sau đó đợi tăng giá và bán lại.
Trao đổi với VnExpress, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở CBRE TP HCM cho biết, xu hướng phát triển các khu đô thị ở thị trường tỉnh diễn ra mạnh mẽ. Song theo ông, các dự án này có đặc điểm chung là đa phần khách mua (chiếm tỷ trọng khoảng 90%) để chờ tăng giá bán chốt lời. Khách mua thị trường tỉnh lẻ, vùng ven chủ yếu đến từ TP HCM. Đây là thách thức đối với các khu đô thị này trong quá trình lấp đầy, hình thành cộng đồng dân cư về ở thật.
Ông Kiệt cho rằng, phần lớn các khu đô thị vệ tinh có thể bị bỏ trống thời gian đầu để chờ kết nối hạ tầng đồng bộ và tiện ích hoàn thiện dần. Khi có đủ điều kiện phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, cư dân mới bắt đầu về ở. Đây là diễn biến bình thường trong quá trình hình thành đô thị.
Giám đốc bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở CBRE phân tích, đối với các khu vực mới như những trục đô thị thuộc vùng ven, nhóm khách hàng đầu tiên luôn là các nhà đầu tư vì họ có lợi thế về nguồn tài chính sẵn có. Còn người mua để ở cuối cùng khi nào về sống các đô thị vệ tinh phụ thuộc vào tiện ích, hạ tầng đồng bộ đến đâu. Các nhà đầu tư thường đón đầu những đợt sóng đầu tiên còn việc khi nào người có nhu cầu ở thật về đây sinh sống thì chủ đầu tư sẽ trả lời vì các doanh nghiệp chính là chủ thể hoạch định dự án, thực hiện các cam kết với người mua.
Đối với tỷ suất sinh lời của các dự án tỉnh, ông Kiệt đánh giá có rất nhiều yếu tố tác động đến biên lợi nhuận như: uy tín chủ đầu tư, tiện ích có được xây dựng hoàn chỉnh, hạ tầng kết nối ra sao, chất lượng sản phẩm, vị trí dự án, cảnh quan… Có thời điểm đất nền vùng ven sinh lời 100% tùy vào vị trí với điều kiện hạ tầng kết nối thông suốt nhưng mức sinh lời 8-10% một năm được xem là phổ biến hơn. Một số dự án có hiện tượng tỷ suất sinh lời phụ thuộc vào cam kết và bài toán tài chính của chủ đầu tư đưa ra.
Khi đầu tư thị trường tỉnh, lợi nhuận thường đi kèm rủi ro. Vì vậy, người mua cần chuẩn bị trước tâm lý cho nhiều tình huống khác nhau, trong đó có cả tình huống kỳ vọng có thể không thành hiện thực. Bởi lẽ, các khu đô thị mới thường không phục vụ nhu cầu ở ngay, nếu chưa thể mua đi bán lại nhanh buộc phải chờ đợi thêm.
P.V (tổng hợp)