Sáng 11/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) phát đi thông báo đang điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, liên quan đến dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM.
Quá trình điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 3 bị can, bắt bị can để tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” gồm:
Ông Vũ Huy Hoàng – cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương; bà Hồ Thị Kim Thoa – nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Phan Chí Dũng – nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương.
Trong đó, ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa được tại ngoại.
Sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa được cho là liên quan khu đất vàng ‘4 mặt tiền’ ở quận 1. Khu đất có địa chỉ: 2-4-6 đường Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé) nằm ở trung tâm thành phố, hướng ra sông Sài Gòn, gần phố đi bộ Nguyễn Huệ.
“Khu đất vàng” có tổng diện tích khoảng 6.000 m2, 4 mặt tiền các đường Hai Bà Trưng, Thi Sách, Công trường Mê Linh, Đông Du, trong đó mặt phía Đông hướng ra sông Sài Gòn. Bao quanh khu đất là các toà cao ốc, khách sạn, nhà hàng sang trọng.
Theo báo Thanh Niên, năm 2008, UBND TP.HCM giao cho Tổng công ty CP bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) quản lý, sử dụng khu đất mà không thông qua đấu giá đất. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều lãnh đạo TP.HCM vướng vào vòng lao lý.
Sau khi được giao đất, Sabeco dự kiến xây dựng dự án tổ hợp căn hộ, thương mại, văn phòng có tên Sài Gòn Mê Linh Tower, với tổng mức đầu tư hơn 2.423 tỉ đồng. Năm 2015, Sabeco cùng 3 công ty Đầu tư Mê Linh, Attland và Hà An góp vốn thành lập Sabeco Pearl để triển khai đầu tư dự án khu thương mại văn phòng cao cấp tại số 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng. Trong đó, Sabeco góp 26% vốn.
Tuy nhiên, từ năm 2016, Bộ Công thương có chủ trương để Sabeco thoái vốn đầu tư tại Sabeco Pearl. Giữa năm 2016, HĐQT Sabeco đã thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu trong Sabeco Pearl cho các cổ đông còn lại, thu về khoản tiền gần 200 tỉ đồng. Các cổ đông còn lại sau đó cũng lần lượt bán cổ phần của mình dẫn đến khu “đất vàng” Hai Bà Trưng rơi vào tay một số cá nhân – tờ Thanh Niên thông tin
Khu đất được rào chắn nhiều năm nay, bên trong cỏ mọc um tùm. Nhìn từ hướng ngã tư Thi Sách – Đông Du có thể thấy cao ốc Vietcombank Tower bên cạnh.
Lô đất có 4 mặt tiền, thu hẹp dần về hướng đường Công trường Mê Linh, hướng về sông Sài Gòn.
Bên trong trước đây được tận dụng làm bãi giữ xe, tuy nhiện hiện đã dẹp bỏ.
Hiện, cổng ra vào khu đất nằm trên đường Đông Du.
Bên ngoài hàng rào, góc ngã tư Đông Du – Hai Bà Trưng, người dân tận dụng bóng mát để kinh doanh.