Xuống cấp từ hơn 10 năm trước
Tiếp chúng tôi vào chiều muộn ngày 9/7, chị Thành (ở lầu 2, chung cư Trúc Giang phường 13, quận 4) nói rằng, chung cư này xuống cấp nghiêm trọng từ hơn 10 năm trước. Vừa nói chị vừa dẫn chúng tôi đi một lượt quanh nhà, nhiều lớp bê tông bong tróc, để lộ khung sắt gỉ sét khiến ai nhìn vào cũng cảm thấy rùng mình. Chính quyền quận 4 đã lên phương án di dời dân đến chung cư Phú Thọ ở quận 11 nhưng một nửa cư dân ở đây vẫn chưa chịu rời đi.
Dù đã xây dựng hơn 50 năm, chung cư Ngô Gia Tự vẫn bị cơi nới, tạo thành các ổ chuột trên cao
“Căn hộ của tôi rộng 26m2 nhưng khi làm thủ tục, chính quyền quận 4 nói căn hộ này chỉ có 16m2, không hiểu họ đo đạc kiểu gì. Rồi nhiều bà con ở đây dời đi, quận 4 nói hỗ trợ tiền thuê nhà 5 triệu đồng/tháng nhưng đến nay không có, khiến nhiều người lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Dù biết sống ở đây nguy hiểm nhưng tôi không dám chuyển đi vì lo cuộc sống bấp bênh”, chị Thành nói.
Cùng chung cư Trúc Giang, ông Lê Văn Thành cho biết đã sống ở chung cư này gần 40 năm. Việc từng mảng bê tông rơi xuống là điều không lạ với hầu hết các cư dân. Biết nguy hiểm nhưng mọi người vẫn bám trụ, chờ chính quyền di dời. Hằng ngày, ông Thành trông giữ xe ở tầng trệt kiếm đồng ra đồng vào. Ông cũng cho biết sắp tới gia đình ông sẽ dời về chung cư Phú Thọ quận 11 ở tạm, chờ khi chung cư Trúc Giang xây xong sẽ quay về đây sinh sống.
Tuy nhiên, người đàn ông 65 tuổi này vẫn canh cánh nỗi lo, không biết đến bao giờ chung cư Trúc Giang mới xây xong. Bởi có nhiều chung cư cũ, từ khi di dời dân đến lúc có mặt bằng, kêu gọi chủ đầu tư, xây dựng… lên tới hàng chục năm. “Ở đây, tôi còn giữ xe để trang trải chi phí sinh hoạt. Về chỗ ở tạm, không biết làm gì để sống, rồi không biết bao giờ mới được quay trở lại đây…”-ông Thành nói.
Cho đến nay, ông Thành và người dân ở đây vẫn chưa biết chủ đầu tư mới của chung cư Trúc Giang là ai. Ở lần họp dân gần nhất, chính quyền nói, nếu người dân đồng ý bố trí tái định cư tại chỗ, tỷ lệ quy đổi là 1m2 nhà cũ sẽ bằng 1,1 m2 nhà mới xây. Còn chủ nhà không muốn tái định cư tại chỗ thì bán cho chủ đầu tư giá 27,5 triệu đồng/m2.
Nhiều người dân ở chung cư Trúc Giang nói rằng, so với mặt bằng ở khu vực thì mức giá bán cho cư dân vẫn chưa hợp lý, bởi nhiều chung cư ở quận 4 đang có mức giá từ 50-60 triệu đồng/m2. Như vậy là bất công cho nhiều cư dân ở đây và họ mong chính quyền có chính sách hỗ trợ cư dân bằng mức giá ưu đãi để có thể an cư tại chính chung cư cũ của mình. Lấn cấn trong việc đền bù chính là nút thắt khiến hàng chục hộ dân ở chung cư Trúc Giang không chịu di dời đến nơi ở mới.
Chưa yên tâm với chính sách di dời
Tuy chất lượng đang ở mức D, tức cấp độ nguy hiểm nhất, nhưng chung cư số 155-157 Bùi Viện (quận 1) vẫn còn hàng chục hộ dân sinh sống. Theo kết quả kiểm định của Công ty CP Kiểm định Xây dựng Sài Gòn, khả năng chịu lực của kết cấu của chung cư này không đáp ứng được nhu cầu sử dụng bình thường, phải tháo dỡ khẩn cấp.
Anh Nguyễn Sỹ Hợi (căn hộ 306) cho biết, đã sống ở đây hàng chục năm nay. Căn hộ của anh khoảng 30m2 nhưng có tới 8 người sinh sống. Nhiều người vẫn phải bám trụ ở đây là do chưa biết chính sách di dời, đền bù ra sao. Dù chính quyền quận 1 cho phép mỗi hộ dân sử dụng 1 căn hộ ở chung cư này được lựa chọn 1 căn hộ trong danh sách quỹ nhà tạm cư ở quận nhưng người dân vẫn lo lắng, bởi không ai muốn xáo trộn cuộc sống quá nhiều. Cư dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị chính quyền quận và thành phố nhưng đến nay chưa có phản hồi chính thức, khiến họ không yên tâm dời đi.
Anh Duy Mạnh (căn hộ 401) nói rằng, điều mong muốn của cư dân là sớm được quay về nơi ở cũ, an cư tại chung cư đã xây dựng lại. Thế nhưng, thực tế nhiều trường hợp sau khi cưỡng chế di dời cư dân thì chính quyền không đốc thúc chủ đầu tư nhanh chóng xây dựng lại chung cư nên dự án vẫn “trùm mền” hoặc xây dựng với tiến độ quá chậm.
Gần hết đời người bà Phạm Thị Lệ đã sống tầng trệt lô K, chung cư Ngô Gia Tự
Hơn 40 năm sống ở chung cư Ngô Gia Tự, bà Phạm Thị Lệ (gần 70 tuổi) chỉ mong được Nhà nước bồi thường ít tiền để đến nơi ở mới. Bà cho biết, bà về sống ở chung cư này từ năm 1978, khi con cái lấy vợ, sinh con nhà cửa chật chội nhưng bà vẫn phải bám tầng trệt nơi cầu thang lô K và kiếm sống bằng việc bán nước lặt vặt. “Mong mỏi lớn nhất của tôi là có được chỗ ở tươm tất lúc tuổi xế chiều, để con cháu đỡ mặc cảm”-bà Lệ nói.
Tính từ đầu chương trình cải tạo chung cư đến nay, TPHCM chỉ sửa chữa 132 chung cư và khởi công xây dựng mới 8 chung cư thay thế chung cư cũ. Đối với chung cư cấp D có tổng quy mô 989 căn, thì TPHCM đã di dời được 473 hộ dân tại 9 chung cư. Hiện nay, việc tháo dỡ xây mới thay thế chung cư cũ chủ yếu chỉ mới dừng lại ở việc di dời tạm cư cho người dân để đảm bảo an toàn tính mạng. Vẫn còn nhiều chung cư cũ cấp D chưa chọn được chủ đầu tư để thực hiện tháo dỡ, xây dựng mới.
Loay hoay tìm giải pháp
Ông Châu Văn La – Chủ tịch UBND quận Tân Bình cho biết, quận này đang có 65 chung cư, trong đó 34 chung cư nhóm 1 (xây dựng trước năm 1975), 15 chung cư nhóm 2 (xây dựng sau năm 1975) và 16 chung cư nhóm 3 (xây dựng trước thời điểm Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực. Kế hoạch sửa chữa, cải tạo, xây mới chung cư cũ của quận có từ năm 2010 nhưng tới năm 2015, quận mới xây dựng và tạo quỹ nhà tái định cư cho 1 chung cư có quy mô 137 căn. Giai đoạn từ năm 2015-2020, quận chỉ đang trong giai đoạn mời thầu tháo dỡ và tìm chỗ tái định cư cho các hộ dân ở 3 chung cư cũ, các chung cư còn lại chưa có giải pháp.
Còn ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND quận 1 nói, vướng mắc hiện nay khi triển khai các dự án cải tạo chung cư cũ là nhiều hộ dân chưa đồng thuận di dời vì chưa thống nhất trong khâu bố trí tạm cư. Qua rà soát, quỹ nhà tạm cư cho các hộ dân ở quận 1 chủ yếu tập trung ở các chung cư tại quận 4, quận Bình Thạnh và ở các huyện vùng ven như Bình Chánh, Nhà Bè nhưng không phải hộ dân nào cũng muốn tạm cư ở những nơi này. Ngoài ra, quận 1 cũng chưa xác định được nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích nhà thuộc sở hữu Nhà nước để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện.
Ông Lê Hòa Bình – Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, khó khăn nhất hiện nay là tìm được tiếng nói đồng thuận giữa chính quyền-doanh nghiệp với người dân, do rất khó có được sự đồng ý của 100% người dân. Ông Bình dẫn chứng, tại chung cư 11 Võ Văn Tần (quận 3) chỉ có 1 hộ không đồng thuận di dời, khiến mọi thủ tục phải ngưng. Chính vì vậy, cần một giải pháp hợp lý nhất để có được tiếng nói đồng thuận giữa người dân và nhà đầu tư thì mới đạt được chỉ tiêu trên.
DUY QUANG