Theo quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam giai đoạn năm 2020 – 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1.3.2016 của Thủ tướng Chính phủ, đoạn cao tốc Quảng Ngãi – Bình Định với chiều dài khoảng 170 km (trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Định dài khoảng 110 km), có điểm đấu nối với tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2019), điểm cuối dự kiến nối vào hầm Cù Mông (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2019) và định hướng đầu tư trong giai đoạn năm 2020 – 2025.
Sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Quảng Ngãi đến TP Quy Nhơn (Bình Định) xuống còn hơn 1 giờ, đồng thời phát huy hiệu quả khai thác của tuyến Đà Nẵng – Quảng Ngãi và hầm Cù Mông, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh Bình Định, giảm thiểu TNGT, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối với các tỉnh lân cận.
Vì vậy, việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam, đoạn từ Quảng Ngãi đến Bình Định là sự cần thiết, phù hợp với quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam giai đoạn năm 2021 – 2030, đưa vào khai thác toàn bộ tuyến đường cao tốc Bắc – Nam; đồng thời tạo động lực cho sự phát triển của Bình Định, Quảng Ngãi và phát huy hiệu quả khai thác của tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và kết nối với tỉnh Phú Yên qua hầm Cù Mông.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương triển khai thực hiện đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam, đoạn Quảng Ngãi – Bình Định trong giai đoạn năm 2020 – 2025. Thực hiện đầu tư xây dựng dự án tuyến cao tốc Bắc – Nam, đoạn Quảng Ngãi – Bình Định theo hình thức đối tác công tư có sự tham gia của phần vốn nhà nước.
Đồng thời, giao UBND tỉnh Bình Định làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chủ đầu tư dự án để tổ chức triển khai thực hiện, nhằm chủ động huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư dự án nêu trên đạt hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh Bình Định sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan để triển khai dự án, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Nam Phong
Theo Nhịp sống kinh tế