Đó là nhận định của ông ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tại tọa đàm “Bất động sản trong vòng xoáy bất định: Xoay chuyển và thích nghi” diễn ra sáng 4/8.
Theo ông Đính, thị trường BĐS Việt Nam mới hình thành khoảng trên 10 năm nay và phát triển với tốc độ khá nhanh và cho đến giờ đang gặp khủng hoảng.
Đây không phải khủng hoảng đầu tiên. Khó khăn của thị trường không phải do trong đại dịch Covid-19 mà thực ra chúng ta đã gặp một số trục trặc của thị trường từ khi bước vào năm 2019.
Cụ thể, năm 2018, thị trường tăng trưởng mạnh với thành công từ số lượng nguồn cung ra thị trường, giao dịch thành công ấn tượng. Gần 200.000 sản phẩm BĐS nhà ở được giao dịch thành công trên toàn thị trường Việt Nam, con số lớn nhất trong các năm trước đó.
Tuy nhiên đến năm 2019, con số giao dịch thành công sụt giảm trên 30%. Vấn đề này rất bất thường trong bối cảnh thị trường đang có lực rất tốt. Lực cầu của thị trường trong năm 2018 luôn đạt ở ngưỡng ở vùng thấp nhất trên 60% hoặc 70%, tỷ lệ hấp thụ của lượng cung đưa ra thị trường tính theo tháng theo quý luôn mạnh.
Theo các chuyên gia, cái vướng của thị trường BĐS hiện nay là nguồn cung chứ không phải nguồn cầu. Ảnh: Nguôn Bizlive
Thế nhưng sau đó tại sao bất ngờ có sự sụt giảm về giao dịch. Nguyên nhân một phần đến từ chính sách, pháp luật. Từ năm 2018, đã xuất hiện hoạt động thanh tra kiểm tra, mà nhiều khi sai phạm xuất phát từ mâu thuẫn lằng nhằng chồng chéo theo quy định của pháp luật.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến hàng loạt các địa phương thanh tra, kiểm tra, rà soát lại các dự án. Nhiều dự án mặc dù có quá trình dài chuẩn bị, chỉ chờ phê duyệt để bung ra thị trường, nguồn cung ra thị trường giảm rất mạnh.
Theo ông Đính, thực tế mức độ tiêu thụ sản phẩm của 2 TP lớn là Hà Nội và Tp.HCM còn rất lớn.
Ở Tp.HCM, trong quý 3/2019, khi tung ra 12.000 sản phẩm, hơn 11.000 sản phẩm đã được hấp thụ hết. Ở các nước ASEAN, một dự án tung ra phải 5 năm mới tiêu thụ hết. Thị trường BĐS hiện đang có lực cầu tốt, nhưng cung lại yếu. Điều này khá trái ngược với quy luật. Khép lại năm 2019, thị trường đã có nhiều dấu hiệu lệch pha cung cầu, không áp dụng được nhu cầu thị trường, nhu cầu đầu tư.
Bước sang năm 2020, Chính phủ cũng đã có những động thái tích cực và quyết liệt để đưa ra một loạt chính sách nhằm chỉ đạo các bộ ngành nhằm tháo gỡ điểm nghẽn chính sách.
Nhưng ngay từ khi Tết bắt đầu, đã có một loạt tín hiệu rất xấu, sau đó đến đại dịch Covid-19, điều này làm cho cả thế giới chững lại chứ không riêng Việt Nam, ngay lập tức đình trệ kinh tế của xã hội, thị trường BĐS vì thế cũng đình trệ theo.
“Thị trường BĐS vẫn đang phát triển tốt, nhưng chỉ chịu tác động từ bên ngoài, nếu giải quyết tốt vấn đề bên ngoài, thị trường sẽ lại tăng trưởng tốt”, ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.
Theo ông Đính, chúng ta cũng thấy rằng, đến thời điểm tháng 4/2020, đã có dấu hiệu ngăn chặn được đại dịch Covid-19. Vào tháng 5/2020, chúng ta được tháo gỡ Chỉ thị 16, các dự án khắp cả nước lại sôi động trở lại. Giao dịch thành công diễn ra rất nhanh và ấn tượng. Nhiều dự án mở tại Hà Nội, TP.HCM…, hoạt động kinh doanh sôi động, nhộn nhịp. Dấu hiệu hồi phục của thị trường BĐS rất nhanh rất mạnh.
Cho đến sát thời điểm chúng ta có hiện tượng bùng nổ Covid-19 lần thứ 2, thị trường vẫn đang tốt. Nhưng, cho đến nay khi Covid-19 tái bùng phát, các dự án cũng đang phải tạm ngưng để nghe ngóng và xem xét tình hình.
Tuy nhiên, ông Đính cho rằng, kể cả khi dịch Covid-19 xuất hiện trở lại ông vẫn tin về tiềm năng của thị trường mà biểu hiện là lực cầu và khả năng xuống tiền của các nhà đầu tư.
Cùng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thị trường BĐS trong 10 năm qua đã trải qua rất nhiều khó khăn, từ giai đoạn đóng băng năm 2012-2013 đến phục hồi và thăng hoa trong giai đoạn 2017-2019 song đến cuối năm 2019 đã chững lại và lại gặp cú đòn của dịch Covid-19.
“Tuy vậy, thị trường BĐS vẫn đang gặp nhiều vấn đề, trong đó bên ngoài là dịch bệnh, là Covid-19, còn bên trong là những vấn đề liên quan đến chính sách, lệch pha cung cầu,… Câu chuyện quan trọng là nguồn cung bị chặn lại chứ không phải lực cầu, bởi ngay trong giai đoạn Covid-19 lực cầu vẫn có”, ông Thành nhấn mạnh.