Chính phủ vừa giao Bộ KH-ĐT cân đối thêm 3.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, trong đó có 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 2.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng quốc doanh, nhằm hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội. Đây là tin vui cho người dân đang có nhu cầu về nhà ở.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 1/2020 trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 207 dự án nhà ở xã hội (NƠXH), quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn, với tổng diện tích gần 4,3 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 220 dự án với quy mô xây dựng khoảng gần 180.000 căn.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá kết quả trên chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
“Đây là biện pháp cần thiết hỗ trợ cho thị trường bất động sản phân khúc nhà ở xã hội vì hiện tại nhiều chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khó bán do người mua không được hỗ trợ vốn vay trong khi nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn”, VNREA cho biết.
Việc khuyến khích các chủ đầu tư tham gia phát triển dự án NƠXH gặp rất nhiều khó khăn khi gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc vào cuối năm 2016. Còn người dân có thu nhập thấp thì không vay được vốn lãi suất ưu đãi để mua, thuê mua NƠXH.
Các chuyên gia cho rằng, gói 3.000 tỷ không chỉ kích cầu cho doanh nghiệp sản xuất, xây dựng NƠXH mà chính người có thu nhập thấp tại đô thị sẽ mua được NƠXH với giá rẻ hơn rất nhiều so hiện tại.
Đang nhắm nộp hồ sơ mua nhà tại một dự án NƠXH thuộc địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội), vợ chồng chị Nguyễn Thị Thoa tạm trú ở quận Thanh Xuân đang rất mừng khi hay tin Chính phủ sẽ có gói tín dụng 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ vay mua nhà tại dự án NƠXH.
Chị Thoa cho biết, vợ chồng chị mới chỉ tiết kiệm được số tiền hơn 200 triệu đồng và nếu gói tín dụng cho vay ưu đãi sớm được triển khai thì vợ chồng chị chắc chắn sẽ có cơ hội mua được một căn hộ chung cư dành cho người thu nhập thấp.
“Thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng tôi chỉ hơn 14 triệu đồng, nếu mua căn hộ hơn 60m2, có giá khoảng 1 tỷ đồng thì chúng tôi chỉ đủ tiền để đóng đợt đầu tiên, số còn lại 70% giá trị căn hộ sẽ phải vay ngân hàng. Vì thế, chúng tôi mong mỏi Chính phủ sẽ sớm triển khai gói 3.000 tỷ đồng này để gia đình tôi có cơ hội mua được nhà, chứ nếu vay ngân hàng với mức lãi suất cao 9-10%, thậm chí hơn 11% thì vợ chồng tôi không đủ sức”, chị Thoa cho hay.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), khi nguồn cung nhà ở xã hội tăng lên, các chủ đầu tư dự án nhà thương mại sẽ phải tính toán lại giá bán để cạnh tranh. Dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT 5%, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10% và được vay vốn ưu đãi về lãi suất nên giá sẽ rẻ hơn nhà thương mại.
Như tại TP. HCM, giá nhà ở xã hội đa số là khoảng 15 triệu đồng/m2, trong khi hiện nay, giá nhà thương mại bình quân khoảng 40 triệu đồng/m2. Khi giải quyết nhu cầu thật, người dân sẽ mua được nhà ở xã hội với giá rẻ hơn rất nhiều so với mua nhà thương mại. Khi đó, các chủ đầu tư sẽ mất một nguồn nhu cầu, phải cơ cấu giảm giá để cạnh tranh.
Trao đổi với báo Lao động Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam – khẳng định, điểm nghẽn lớn nhất trong những năm qua là thiếu vốn nên việc khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển dự án nhà ở xã hội gặp rất nhiều khó khăn khi gói 30.000 tỉ đồng kết thúc cho vay từ cuối năm 2016.
“Cơ chế chính sách ưu đãi phát triển nhà ở xã hội được quy định rất cụ thể trong Nghị định 100 năm 2015 của Chính phủ. Chủ trương đã có nhưng không bố trí nguồn tái cấp vốn để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội nên các dự án rơi vào tình trạng đói vốn” – ông Đính nói.
P.V (tổng hợp)