“Thiếu” nhân lực xây dựng tạm thời
Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành văn bản cho phép các công trình xây dựng trên địa bàn được thi công trở lại trong thời gian cách ly xã hội. Tuy nhiên, thực tế trên các công trường xây dựng ở Hà Nội thì gần như đều đóng cửa im lìm, các dự án vẫn “nằm” chờ dịch qua.
Một lãnh đạo đơn vị xây dựng cho biết, Sở Xây dựng Hà Nội cho phép công trình xây dựng được thi công lại với các điều kiện đảm bảo phòng dịch Covid-19. Tại công trường việc đeo khẩu trang, đo thân nhiệt trước khi vào công trường, điều này được thực hiện từ khi bắt đầu dịch. Nhưng điều kiện về bếp ăn tập trung, không tập trung quá nhiều người, cự ly khoảng cách rất khó thực hiện.
“Công trường thi công có những công việc bắt buộc phải từ 2 người, thậm chí nhiều người mới thực hiện được. Thi công trong điều kiện giãn cách là không khả thi. Do đó, nhiều chủ đầu tư và đơn vị thi công vẫn chưa thực hiện dự án trở lại” – vị lãnh đạo này chia sẻ.
Công trình xây dựng ở Hà Nội vẫn “nằm im” chờ qua dịch.
Theo ông Bùi Huy Quang – Phó Chủ tịch UBND phường Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội) gần như 100% công trình xây dựng đang dừng, chỉ có 1 vài hộ sửa chữa nhỏ có xây dựng. UBND phường cũng tổ chức giám sát, các công trình có cam kết tuân thủ quy định phòng dịch.Bên cạnh đó, việc dừng thi công các công trình xây dựng để phòng chống dịch Covid-19 theo chủ trương của thành phố Hà Nội, nhà thầu cho công nhân về nghỉ, hiện tại huy động công nhân lên trở lại cũng khó khăn khi Hà Nội vẫn là vùng dịch. Việc thiếu công nhân ở công trường xây dựng đang diễn ra tại thời điểm này, vị lãnh đạo đơn vị xây dựng cho biết thêm.
“Phường vẫn giám sát nếu không đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch sẽ xử phạt và cho dừng thi công công trình nhưng thực tế hầu hết các công trình xây dựng vẫn chưa thi công lại” – ông Quang nói.
Hàng loạt dự án sẽ ảnh hưởng tiến độ, người lao động xây dựng khó khăn
Ông Phạm Thanh Bình, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long) cho biết, dự án cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long là công trình trọng điểm của Hà Nội nên vẫn được thi công trong thời gian tháng 4. Trên công trường phải tuân thủ quy định phòng dịch, công nhân đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, giữ khoảng cách…
“Với các quy định phòng dịch việc thi công, tiến độ dự án sẽ bị ảnh hưởng nhưng vẫn phải tuân thủ. Ngoài ra, tâm lý e ngại của công nhân về dịch bệnh một số về quê và không lên, các nhà thầu cũng khó khăn trong việc tổ chức thi công nhưng đây chỉ là tạm thời. Thực hiện cách ly xã hội nên nguồn vật liệu xây dựng ở các tỉnh vận chuyển về Hà Nội có những khó khăn nhất định” – ông Bình nói.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, về lâu dài các dự án bất động sản đình trệ kéo theo là hàng triệu công nhân xây dựng tiếp tục thiếu việc, “khan” công nhân lao động chỉ là tạm thời, lâu dài sẽ là thừa nhân công và thiếu việc.
“Năm 2019, nhiều dự án bất động sản bị đình trệ do vướng mắc pháp lý chưa được giải quyết. Các doanh nghiệp lớn trong thi công xây dựng đều báo cáo sản lượng giảm đến 50%. Năm nay, ảnh hưởng của dịch bệnh nặng nề, sản lượng thi công xây dựng sẽ tiếp tục giảm, thiếu việc cho ngành lao động xây dựng sẽ trầm trọng hơn” – ông Đính nói./.