Thời gian qua, nhiều thông tin rao bán đất nền tại dự án Vita Riverside, tại phường Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương được quảng cáo rầm rộ, nhiều nhân viên tổ chức nhiều điểm phát tờ rơi, chèo kéo khách hàng.
Qua tìm hiểu của PV, nhân viên môi giới tự giới thiệu của Công ty TNHH Phát triển hạ tầng và bất động sản Tạo Tín Phát (Công ty Tạo Tín Phát) có trụ sở tại 105 Bình Quới, phường 27 quận Bình Thạnh, Tp.HCM cho biết hiện đang phân phối các sản phẩm đất nền tại dự án Vita Riverside.
Theo lời nhân viên môi giới, dự án này có tổng 218 nền đất, mới mở bán hôm chủ nhật tuần trước nhưng trước đó hơn 1 tháng bên phía công ty đã cho khách hàng xuống tiền đặt chỗ. Hiện nay có 160/218 nền đã bán, còn 59 nền phân bố ở nhiều vị trí. Các nền đất ở đây có diện tích từ 64 – 100m2, có giá 14,2 triệu đồng/m2. Nền đất có giá thấp nhất là 915 triệu đồng, cao nhất là hơn 1,5 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, không phải Công ty Tạo Tín Phát tự ý đứng ra thu tiền, huy động vốn từ khách hàng mà thông qua Hợp đồng ủy quyền ngày 29/2/2020 giữa Công ty TNHH MTV Tuấn Điền Phúc có địa chỉ tại 17A Nguyễn Thị Chạy, phường Tân Đông Hiệp, Tp. Dĩ An, tỉnh Bình Dương do ông Nguyễn Văn Tuấn làm đại diện pháp luật, kiêm Giám đốc và Công ty TNHH Phát triển hạ tầng và bất động sản Tạo Tín Phát.
Theo đó, Công ty Tuấn Điền Phúc chấp thuận cho Công ty Tạo Tín Phát triển khai các kế hoạch quảng cáo, tìm kiếm khách hàng, nhận cọc, đặt chỗ, mua bán bất động sản… tại dự án Khu nhà ở Tuấn Điền Phúc.
Liên quan đến pháp lý và nguồn gốc đất dự án Vita Riverside, theo hồ sơ người viết có được, Công ty Tuấn Điền Phúc nhận chuyển nhượng 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tổng diện 36,744m2) từ vợ chồng ông Nguyễn Văn Bình và bà Đỗ Bích Hồng ngụ tại Tp.HCM thông qua Hợp đồng chuyển nhượng ký ngày 12/3/2020 tại văn phòng công chứng Nguyễn Thị Hộp, tỉnh Bình Dương. Công ty Tuấn Điền Phúc nhận chuyển nhượng 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mức giá 38 tỷ đồng.
Qua tìm hiểu thực tế của PV, hiện nay dự án Vita Reverside đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng dở dang, hệ thống đường giao thông chưa được rải thảm nhựa, chưa bó vỉa hè; hệ thống điện chiếu sáng chưa lắp đặt…vậy nhưng Công ty Tạo Tín Phát và Tuấn Điền Phúc lại bắt tay nhau thu tiền của hàng trăm khách hàng, gây ra rất nhiều rủi ro cho người mua. Nếu dự án chưa được các cơ chức năng cấp phép, khi bị xử phạt thì dự án sẽ phải dừng thi công người mua sẽ lãnh đủ hậu quả.
Khách hàng “nắm dao đằng lưỡi” khi giao dịch
Hiện phương thức thanh toán cho các giao dịch được các chủ đầu tư dự án ưa thích nhất là hình thức ký “Hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Đây thật ra là hình thức huy động vốn (không mất lãi) được nhiều chủ đầu tư lẫn đơn vị ký hợp tác phân phối sản phẩm với chủ đầu tư đang áp dụng (đơn cử như dự án Khu nhà ở Tuấn Điền Phúc).
Với loại hợp đồng này thì khách hàng phải thanh toán luôn 95% giá trị nền đất sau 7 ngày đặt cọc, nhưng phải đến 6 tháng sau mới được ký “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.
Theo luật sư Lê Bá Thường – Đoàn luật sư TP.HCM, khách hàng chẳng khác gì “cầm dao đằng lưỡi” với loại hợp đồng này khi mua đất.
“Hiện nay, để “lách luật” nhiều chủ đầu tư và đơn vị phân phối xây dựng ra cái gọi là “Hợp đồng góp vốn”, “Hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất” để giao dịch với khách hàng. Thực tế, với những hợp đồng mang tính chất “lách luật” như thế này, khi xảy ra vấn đề tranh chấp thì khách hàng là người chịu thiệt vì đây là một hợp đồng giả.
Chưa kể khi giao dịch được xác lập bằng hình thức ký ghi nhớ bằng hai loại hợp đồng trên, nhiều khách hàng không am hiểu về luật dễ “ôm hận” khi thực hiện ký kết, đặt cọc, chuyển tiền với đối tác phân phối mà không phải chủ đầu tư” – luật sư Thường phân tích.
Trước đó, Công an tỉnh Bình Dương nhận định, hiện nay, khách hàng, nhà đầu tư mua đất nền, dự án bất động sản rất “ngây thơ”, dễ tính khi chẳng cần hỏi nguồn gốc xuất xứ, tính hợp pháp, pháp lý của dự án ra sao. Họ chỉ nghe theo lời quảng cáo đầy hoa mỹ của chủ đầu tư và các đơn vị môi giới mà ào ào đóng tiền mua.
Công an Bình Dương khẳng định, hiện nay Chính phủ đã nghiêm cấm các hành vi phân lô, bán nền tại các dự án khi chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và bắt buộc dự án phải được xây thô mới đủ điều kiện mở bán.
Cũng theo Công an tỉnh Bình Dương, theo quy định hiện hành, các thể loại hợp đồng giữ chỗ, hợp đồng góp vốn, hợp đồng nguyên tắc đều không có giá trị pháp lý và khi xảy ra sự cố như dự án không thể triển khai được thì người chịu thiệt hại là khách hàng.
Công an tỉnh Bình Dương ghi nhận, những năm gần đây, lực lượng công an đã tiếp nhận nhiều đơn khiếu nại, tố cáo của người dân khi mua đất nền tại các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ