Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, thị trường BĐS Việt Nam bước vào giai đoạn điều chỉnh. Phân khúc BĐS công nghiệp nổi lên là một điểm sáng, tạo dựng được niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế.
Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển tốt, nhất là khi nền kinh tế có triển vọng hồi phục sau đại dịch Covid-19; môi trường đầu tư – kinh doanh được cải thiện, Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới; nhiều hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực…
“Những kết quả tích cực của thị trường BĐS Việt Nam có thể được nhìn thấy rõ từ những chỉ tiêu như: Lĩnh vực BĐS đóng góp 0,4 điểm % trong tăng trưởng kinh tế; tổng thu liên quan đến BĐS khoảng 11% trong tổng thu ngân sách, tương đương gần 3% GDP; thị trường BĐS phát triển cũng đã kéo theo hàng loạt các thị trường về vốn, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, lao động tăng trưởng…” – ông Hà khẳng định.
Còn Bà Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng CIEM cho rằng, trong hơn 30 năm qua, phát triển hạ tầng KCN, KKT chính là một trong những điểm đột phá trong quá trình xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội và phát triển sản xuất công nghiệp. Nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, phát triển các khu chức năng trong KKT huy động vốn xây dựng kết cấu hạ tầng các khu này để kết nối đồng bộ với các khu chức năng khác trong KKT, với kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào KCN.
Với hạ tầng sẵn có, các KCN, KKT tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thứ cấp triển khai dự án, đồng thời góp phần quan trọng cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng nông thôn của các địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và cả nước.
Nhấn mạnh về vai trò và tiềm năng của bất động sản công nghiệp, GS.Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói: Phân khúc công nghiệp sẽ nổi lên là phân khúc chủ đạo, bất động sản công nghiệp là nền tảng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang mong đón được làn sóng dịch chuyển đầu tư trong xu hướng phân tán rủi ro, tái cơ cấu sản xuất của toàn cầu. Việt Nam đang mong đón được những dự án đầu tư lớn, nhà đầu tư mạnh, mong đón nhiều đại bàng. Và bất động sản công nghiệp là một yếu tố quan trọng.
Chia sẻ kinh nghiệm “dọn tổ đón đại bàng”, ông Phạm Minh Phương – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban quản lý các KCN, khu kinh tế – Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Hải Dương cho rằng, để đón được đại bàng cần diện tích lớn, cần nhiều đất sạch, cần nhiều KCN, nhưng hiện nay quy mô của nhiều KCN còn nhỏ.
Tuy nhiên, theo ông Phương, để mở rộng diện tích của KCN hiện có, để bổ sung KCN mới vào quy hoạch thì phải qua một hành trình thủ tục vòng đi vòng lại với 3 lần trình Thủ tướng, 4 lần lấy ý kiến các bộ, ngành. Chu trình này kéo dài tính bằng năm.
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Phạm Minh Phương lưu ý các nhà đầu tư tranh thủ thời gian khi chờ đợi được phê duyệt, các nhà đầu tư và các địa phương tiến hành các việc để sẵn sàng khi được phê duyệt là tiến hành xây dựng ngay. Đơn cử, như giải phóng mặt bằng, chuẩn bị cho việc xây dựng hạ tầng… Thực tế thì trong một, hai năm, khó có thể phê duyệt hết quy hoạch của tất cả các tỉnh.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, giá đất khu công nghiệp đang tăng quá cao. “Trước khoảng 100 USD thấy cao rồi, hôm vừa rồi có người nói 150 USD”, ông Hoàng cho rằng điều này ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của các khu công nghiệp.
Theo ông Hoàng, muốn mời “đại bàng” đến thì phải có sẵn nguồn lực đất đai. Tuy nhiên hiện nay quỹ đất đang thu hẹp lại dần, thêm vào đó giá lại càng cao.
Các chuyên gia tại diễn đàn cho rằng, để thu hút làn sóng FDI, để thu hút đầu tư vào bất động sản công nghiệp, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển KCN, hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và phát triển một số mô hình KCN mới theo hướng sinh thái, hiệu quả cao hơn (KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN liên kết ngành, KCN – đô thị – dịch vụ và kiện toàn, nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước KCN).
Về định hướng phát triển KCN, cần phát triển về số lượng và quy mô KCN phải đảm bảo bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành; không dàn đều theo địa giới hành chính.