Khó tiếp cận gói tín dụng 250.000 tỷ đồng
Bà Lý Kim Chi (Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM) cho biết, trong thời gian qua, một số doanh nghiệp trong ngành chế biến lương thực, thực phẩm đã chuyển dịch dần các cơ sở sản xuất ra khỏi TPHCM.
Lý do theo bà Chi là đất đai, mặt bằng ở TPHCM có giá cao. Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM e ngại vấn đề dịch chuyển này sẽ làm giảm đi giá trị gia tăng trong ngành chế biến lương thực, thực phẩm của thành phố.
Mặt bằng tại TPHCM có giá cao nên doanh nghiệp có xu hướng dịch chuyển về các tỉnh. Ảnh: Văn Minh.
Về thực trạng này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, kể từ năm 2018 thị trường bất động sản sụt giảm nghiêm trọng và đến khi có dịch COVID-19 xảy ra thì tình hình càng trở nên khó khăn hơn.
“Không chỉ các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm mà cả doanh nghiệp bất động sản cũng có xu thế dịch chuyển đầu tư về các tỉnh. Trong khi thị trường bất động sản tại TPHCM dù vẫn hấp dẫn nhất, quy mô lớn nhất. Vì sao lại có xu thế này thì chúng ta cần phải suy nghĩ lại”, ông Lê Hoàng Châu đặt vấn đề.
Hiện tại doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ còn gặp khó khăn do quy định phức tạp. Ảnh Văn Minh
Nói về khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, bà Lý Kim Chi nêu ra thực tế, một số doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn khi tiếp cận gói tín dụng 250.000 tỷ đồng do các quy định phức tạp.
Cụ thể, theo Thông tư số 01 của Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp phản ánh điều kiện, thủ tục vay vốn, thẩm định chứng minh thiệt hại do ảnh hưởng dịch COVID-19…còn phức tạp, mất thời gian.
Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp chứng minh thiệt hại 50% là vô cùng phức tạp vì chưa có một tiêu chí hay thước đo cụ thể, hơn nữa thiệt hại đều ở trong tương lai… việc chứng minh thiệt hại có thể kéo dài hàng năm trời.
Khuyến nghị phát hành trái phiếu
Ông Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM) cho biết, COVID-19 đã tác động rất lớn đến kinh tế Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng trên diện rộng. Trên 262.000 doanh nghiệp của thành phố, trong đó 97,19% là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng trực tiếp. Dù các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp triển khai nhanh, nhưng sự tiếp cận của các gói tiếp cận vẫn còn gặp nhiều trở ngại.
Có đến 97’19% doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19. Ảnh Văn Minh.
Để bổ sung thêm các chính sách về an sinh xã hội để kích thích tổng cầu, TS Trần Du Lịch (thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ) kiến nghị cần xem lại toàn bộ các gói hỗ trợ của ngân hàng, trong đó thực hiện việc khoanh nợ vay cho doanh nghiệp. Về đối tượng hỗ trợ nên chọn doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất và chuỗi lưu thông dễ đỗ vỡ như du lịch, vận tải, ẩm thực, giải trí… và những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Chu Tiến Dũng (Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM) đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, TPHCM cần chú trọng chuẩn bị cơ sở hạ tầng giúp đẩy nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng cũng như chuẩn bị đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ nước khác sang Việt Nam do dịch COVID-19. Ngân hàng cần ưu tiên cho vay đủ vốn và tạo thuận lợi cung cấp vốn cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, sản phẩm, thị trường…
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Xuân Thành (giảng viên của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright) khuyến nghị TPHCM nên tính toán, xem xét việc huy động và phát hành trái phiếu chính quyền địa phương ngắn hạn để bổ sung nguồn lực ngân sách sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp nhằm ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp.