Đặc biệt, tại khu vực xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh nằm giáp bờ biển, nơi có dự án lấn biển Saigon Sunba, giá đất vẫn có dấu hiệu tăng.
Theo Zing, số liệu từ Chợ Tốt Nhà cho thấy, giá đất tại thị trấn Cần Thạch đang được giao dịch ở mức từ 6,8 – 22 triệu đồng/m2 tùy vị trí, tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, ở xã Long Hòa, đất nền có giá giao dịch dao động 3,5 – 11 triệu đồng/m2, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhu cầu bán ở khu vực này khá thấp.
Khảo sát cho thấy đất nền mặt tiền trên trục đường Duyên Hải, từ công viên Cần Thạnh đến quảng trường Rừng Sác thuộc thị trấn Cần Thạnh có giá từ 20-30 triệu đồng/m2; đoạn từ mũi Đồng Hòa đến khu bãi biển 30/4 cũng dao động 10-15 triệu/m2 do người đầu tư chuộng vị trí gần thị trấn dân cư đông đúc. Đây là một trong những tuyến đường lâu đời và lớn nhất tại Cần Giờ.
Như vậy, có thể thấy, dù không còn những cơn sốt đất như 2 năm trước nhưng giá đất tại đây vẫn neo ở mức cao.
Theo giới quan sát thị trường, không phải ngẫu nhiên mà giá đất Cần Giờ có những chuyển biến, mà chủ yếu nhờ những thông tin từ dự án hạ tầng đang được mong đợi nhất ở khu vực này là cầu Cần Giờ.
Đầu tháng 3/2019, phương án thiết kế kiến trúc cho cầu Cần Giờ được UBND TP.HCM chọn và công bố sau một thời gian dài công trình hạ tầng này chỉ dừng lại ở mức khởi động, cân nhắc chọn phương án thiết kế.
Cầu Cần Giờ được xây dựng để thay thế cho phà Bình Khánh, nhằm kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm thành phố và các khu vực lân cận, từ đó hình thành tuyến giao thông kết nối trực tiếp với khu vực ven biển phía nam thành phố.
Tháng 5 vừa qua, dự án bến phà Cần Giờ – Vũng Tàu được triển khai và dự kiến đi vào khai thác trong dịp lễ 2/9, kỳ vọng sẽ kết nối 2 khu vực, rút ngắn thời gian di chuyển giữa Cần Giờ và Vũng Tàu xuống chỉ còn khoảng 30 phút cho cự ly 15 km đường biển. Thông tin này là nguyên nhân khiến giá đất tại Cần Thạnh tăng nhẹ trong những tháng đầu năm 2019.
Gần đây nhất, dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (Saigon Sunbay) Thủ tướng phê duyệt mở rộng quy mô từ 600 ha lên 2.870 ha thuộc địa phận xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng, dự báo tiếp tục tác động lên thị trường khu vực này.
Cơn sốt giá đất càn quét qua Cần Giờ từ năm 2017 đã khiến chuyện đất đai trở thành quen thuộc với đa số người dân trên huyện đảo này.
Cách đây hai năm, Tập đoàn Tuần Châu gây sự chú ý trên thị trường địa ốc TPHCM với việc đề xuất bốn dự án quy mô lớn với tổng mức đầu tư lên đến 65.000 tỉ đồng. Các dự án này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo TPHCM và tập trung tại hai quận vùng ven là Củ Chi và Cần Giờ. Thông tin về kế hoạch xây dựng, huy động và sử dụng vốn được tập đoàn này công bố chi tiết giúp nhiều nhà đầu tư có cơ sở tin tưởng về mức độ khả thi của dự án và lao về hai điểm nóng này để săn đất đón đầu.
Củ Chi và Cần Giờ thời điểm đó như hai “thỏi nam châm” hút hầu hết các nhà đầu tư ở TPHCM về đây săn đất. Nhất là với Cần Giờ, đây là thời điểm địa phương này đạt được độ chín về thông tin khi việc xây cầu Bình Khánh được đề cập, các đồ án quy hoạch phân khu cho các xã được công bố. Thêm vào đó là sự xuất hiện của các doanh nghiệp lớn với các dự án lấn biển.
Các nguyên nhân khiến giá đất tăng đột biến tại huyện Cần Giờ, theo chuyên gia này, đầu tiên là do thông tin UBND TP HCM có phương án xây cầu nối huyện đảo này về khu trung tâm nội đô. Kế đến, việc một tập đoàn bất động sản lớn nhất Việt Nam có thông tin chính thức trở thành chủ đầu tư dự án lấn biển ở huyện đảo này cũng đã thổi lửa vào giá đất quanh đây. Ngoài ra, tác động của cơn sốt đất khiến cho nước chảy về chỗ trũng, một huyện đảo heo hút có giá đất thấp nhất Sài Gòn như Cần Giờ khó có thể nằm ngoài vòng xoáy tăng giá đất mạnh mẽ này.
Chỉ trong vòng một tháng, vào thời điểm bấy giờ (4/2017), việc rao bán đất ở Cần Giờ đang diễn ra ở khắp con đường lớn nhỏ, khu dân cư, từ trên bờ rào cho đến dưới ruộng, hoặc các hàng cây ven đường. Cứ cách vài chục mét là có một biển treo bán đất. Ngay khi xuống phà Bình Khánh đã thấy dịch vụ mua bán ký gửi đất đai từ đất thổ cư, đất vườn (người môi giới hay gọi là đất gò) cho đến đất nuôi trồng thủy sản.
Thông tin về các dự án lớn đã nhen nhóm cơ hội găm đất của giới đầu cơ. Người này mua rồi bán lại cho người khác, và qua nhiều lần giao dịch, giá đất tăng thêm 10-20%. Thậm chí chỉ trong một tuần lễ, giá đất đã tăng lên 70% và nhiều nơi có sự biến động giá từng giờ. Chỉ sau một đêm, giá đã khác hoàn toàn.
Nhưng chỉ khoảng một tháng sau, các cơn sốt đất này hạ nhiệt nhanh chóng khi các dự án này bị đặt dấu hỏi về mức độ khả thi. Chủ đầu tư đã thôi nói về các kế hoạch triển khai dự án và để lại một “quả bóng lửa” cho các nhà đầu tư thứ cấp chuyền tay nhau cho đến này sụp đổ giống như những đợt sốt đất trước đây.
Huyện Cần Giờ cách trung tâm TP HCM khoảng 50 km, có hàng chục cù lao lớn nhỏ, tiếp giáp biển Đông với khoảng 20 km bờ biển và là bán đảo duy nhất của Sài Gòn hướng ra biển. Trên huyện đảo này có rừng ngập mặn đan xen với hệ thống sông rạch dày đặc với hệ sinh thái đa dạng. Hiện Cần Giờ có 6 xã: Long Hòa, Bình Khánh, Thạnh An, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông và một thị trấn là Cần Thạnh, trung tâm huyện lỵ đặt tại thị trấn Cần Thạnh.
Minh Tuệ (t/h)