Thị trường bất động sản gần như “đóng băng” vì dịch Covid-19. |
Ngày 24/4, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chủ trì cuộc họp với chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, BĐS để lấy ý kiến, bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường do ảnh hưởng của đại dịch COVID– 19.
80% sàn giao dịch đóng cửa
Tại cuộc làm việc, Bộ Xây dựng đã khái quát tình hình thị trường BĐS trong những năm vừa qua, đánh giá những tác động ảnh hưởng của đại dịch COVID – 19 đối với thị trường này trong 4 tháng đầu năm 2020, đề xuất những giải pháp cấp bách và lâu dài tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS nói chung cũng như các doanh nghiệp kinh doanh BĐS nói riêng.
Theo đánh giá, với những biến động nhất định cho thấy thị trường BĐS chưa thật sự phát triển bền vững, đặc biệt do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID – 19 đối với các hoạt động của các doanh nghiệp và giao dịch thị trường BĐS đã gây ra những thiệt hại, những thách thức mới đối với lĩnh vực này.
Cụ thể, số lượng sàn giao dịch đóng cửa chiếm khoảng 80%, còn lại đều hoạt động cầm chừng; tỷ lệ người lao động mất việc, tạm ngừng công việc hoặc làm việc cầm chừng trong lĩnh vực BĐS tương đối lớn; số lượng doanh nghiệp được thành lập mới tăng thấp nhất trong cùng kỳ giai đoạn 2015-2019.
Trong đó số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới giảm 11,9%, tạm ngưng kinh doanh tăng 94,1% so với cùng kỳ năm 2019- tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất trong các ngành nghề; số lượng, giá trị sản phẩm BĐS tồn kho tăng…
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA đánh giá, thị trường bất động sản quý 1/2020 bị trầm lắng thậm chí tháng 3 và nửa đầu tháng 4/2020 gần như bị đóng băng. Giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản.
“Các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà đều gặp khó khăn rất lớn. Tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính, do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%, càng tạo thêm áp lực lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản, nhất là trong lúc các doanh nghiệp vẫn phải duy trì lực lượng lao động” – ông Châu nói.
Tại cuộc họp, các chuyên gia cũng cho rằng trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Bộ Xây dựng sớm đề xuất với Chính phủ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp như: xem xét cho phép chậm nộp, giãn nộp tiền sử dụng đất; hỗ trợ miễn giảm thuế cho doanh nghiệp; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay;…
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành đưa ra các giải pháp, nhanh chóng hoàn thiện báo cáo tổng thể để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Bắt đầu có tín hiệu khả quan
Dù còn quá sớm để nhận diện sự phục hồi rõ ràng của thị trường BĐS sau những tác động mạnh của dịch bệnh, bởi hiện nay tình hình dịch Covid-19 vẫn còn rất phức tạp, nhất là trên thế giới, nhưng thị trường BĐS gần đây đã có những tín hiệu khả quan hơn.
Theo báo Tổ quốc nhận định về thị trường, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, trong 3 tháng đầu của năm 2020 có sự suy giảm nhu cầu tìm kiếm BĐS nhưng hiện nay nhu cầu này đang dần phục hồi khá nhanh và quay trở lại. Điều đó cho thấy sự quan tâm của người tìm kiếm BĐS vẫn rất cao kể cả trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Tuy vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành thì rất khó để thị trường BĐS trở lại bình thường trong một vài tháng tới, có chăng tình hình giao dịch sẽ dần dần trở lại vào nửa cuối năm 2020 khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Theo nhận định từ các chuyên gia từ CBRE, bất động sản nhà ở có thể xảy ra 2 kịch bản trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường. Kịch bản thứ nhất, nếu đại dịch được kiểm soát vào tháng 6, giá nhà toàn thành phố có thể tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao như hiện nay, thậm chí tăng 5% so với năm 2019. Mức tiêu thụ có thể đạt khoảng 29.000 sản phẩm tăng 5% so với năm trước. Đây được xem là kịch bản tích cực nhất.
Còn kịch bản xấu hơn là đại dịch kéo dài tới tháng 9 thì đây là điều tồi tệ với BĐS bởi nguồn cung mới sẽ giảm mạnh chỉ bằng khoảng 40% năm 2019, mức giá bán nhà có thể giảm tới 6% so với năm 2019, và ước tính sức mua không vượt ngưỡng 14.000 căn.
Đồng thời, với kịch bản này, nguồn cung mới được tung ra thị trường có xu hướng giảm nhưng không ở mức báo động, có thể đạt khoảng 28.000 căn một năm, tăng 5% so với năm ngoái. Tuy nhiên, do mất hết nửa năm chịu ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, hoạt động marketing bán hàng bị hạn chế do giãn cách xã hội, số căn hộ được tiêu thụ chỉ đạt khoảng 29.000 sản phẩm (bao gồm cả nguồn cung mới và hàng tồn kho), thanh khoản giảm 5% so với năm trước. Đây được xem là kịch bản tích cực trong thận trọng.
Theo báo TN-MT, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: Nhu cầu nhà ở chắc chắn còn tăng vì thực tế nó vẫn chưa được giải quyết tốt trong thời gian qua. Việc cần làm là kiểm soát dịch bệnh thật tốt, tạo niềm tin cho thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể kỳ vọng về việc Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Với mọi doanh nghiệp, thủ tục hành chính được xem là gánh nặng nhiều năm. Đây được coi là giải pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt”, ông Đính nói.
P.V (tổng hợp)