Doanh nghiệp ngành bất động sản có sự chuẩn bị để vượt qua khó khăn
Tham gia tọa đàm trực tuyến “Bất động sản trong vòng xoáy bất định: Xoay chuyển và thích nghi” tổ chức ngày 4/8/2020 tại Hà Nội, các chuyên gia đều cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam đang gặp khủng hoảng. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự khủng hoảng này.
Theo đó, “thị trường bất động sản vẫn đang gặp nhiều vấn đề, trong đó bên ngoài là dịch bệnh, là Covid-19, còn bên trong là những vấn đề liên quan đến chính sách, lệch pha cung cầu,… Câu chuyện quan trọng là nguồn cung bị chặn lại chứ không phải lực cầu, bởi ngay trong giai đoạn Covid-19 lực cầu vẫn có”, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết.
Các chuyên gia tham dự tọa đàm trực tuyến. Ảnh: Bizlive. |
Dù gặp khó khăn từ cuối năm 2019, sang đầu năm 2020 nhưng doanh nghiệp bất động sản đã có sự chuẩn bị để vượt qua khó khăn ít nhất là giai đoạn này. Doanh số của các doanh nghiệp có lúc giảm tới 70-80% nhưng lượng lao động của doanh nghiệp vẫn không bị giảm nhiều.
“Hiện tại, doanh nghiệp chúng tôi vẫn duy trì hoạt động kinh doanh rất tốt, chúng tôi cũng có kế hoạch rõ ràng cho 6 tháng cuối năm và giai đoạn tiếp theo. Và mặc dù ảnh hưởng của Covid-19 nhưng nhân lực của chúng tôi không giảm nhiều, bởi nhân lực chuyển sang hoạt động online và lương cũng không bị giảm”, ông Trương Hữu Quang, Phó Tổng giám đốc Tuấn Minh Group chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Tổng giám đốc Tập đoàn Đại Phúc Land, ảnh hưởng của Covid-19 đã làm doanh số quý I của Công ty giảm 50%, quý II có sự phục hồi nhưng chưa cao, lượng lao động không giảm.
“Dù dịch bệnh nhưng chúng tôi vẫn duy trì hoạt động đầu tư phát triển dự án, có kịch bản điều chỉnh trong tình huống mới khi xảy ra. Hiện chúng tôi đầu tư phát triển một đại đô thị tại khu đông bắc TP.HCM, hướng tới nhu cầu nhà ở là chính. Khách hàng có 50% mua sản phẩm của dự án là để ở, đầu tư mang tính dài hạn. Bước đầu nhận thấy quan tâm của khách hàng chiếm 50-70% hồi phục so trước đại dịch, tâm lý khách hàng có phần cân nhắc thận trọng”, bà Hương nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Tổng giám đốc Tập đoàn Đại Phúc Land. |
Đánh giá tình hình thị trường, ông Đinh Thế Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Hải Phát Land cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản sẽ tăng tốc trong quý III để về đích cuối năm. Những năm gần đây tháng cô hồn không ảnh hưởng nhiều, các chủ đầu tư và đơn vị môi giới cũng tung ra các chương trình để đánh vào tâm lý khách hàng.
Cần các chính sách cụ thể gỡ khó cho doanh nghiệp
Thị trường bất động sản đang gặp khủng hoảng, vậy có cách gì để vượt khó và làm sao để hồi phục tốt?
“Có lẽ hỗ trợ mãnh liệt nhất chính là làm sao khống chế được dịch, hoạt động thị trường bất động sản quay trở lại bình thường. Khống chế dịch là mấu chốt nhất hay là giãn thuế giảm thuế hay thúc đẩy đầu tư công”, TS. Võ Trí Thành đặt câu hỏi.
Chia sẻ nội dung này, ông Nguyễn Văn Đính nhìn nhận lại thị trường bất động sản từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cuộc khủng hoảng này ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường bất động sản. Để giải cứu thị trường, chúng ta đã bơm rất nhiều tiền.
Do đó, đến cuộc khủng hoảng thứ 2, nợ xấu rất nhiều. Các doanh nghiệp phát triển rất ồ ạt, sản phẩm có nhiều nhưng không phù hợp, nhiều căn hộ quá to hay giá trị quá lớn dẫn đến thanh khoản thấp.
Để vượt qua cuộc khủng hoảng này, những giải pháp tình thế đã được triển khai. Cụ thể, Chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng đã liên kết lại với nhau để phá băng thị trường. Khi đó gọi là sự liên kết 3 nhà, 4 nhà.
Ông Võ Trí Thành (bên trái) và ông Nguyễn Văn Đính. |
Đặc biệt, ở giai đoạn này ghi nhận sự phát triển rất mạnh mẽ của những doanh nghiệp môi giới bất động sản. Nhờ có sự vào cuộc rất mạnh mẽ của các nhà môi giới bất động sản mới khai phá sự đóng băng của thị trường trong giai đoạn năm 2012-2013. Họ thúc đẩy nhu cầu và qua đó tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư đang bị đọng vốn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh chính sách để các sản phẩm bất động sản cho phù hợp với nhu cầu thị trường hơn.
Đến đợt khủng hoảng do đại dịch Covid-19 lần này, sự tác động từ khách quan nhiều hơn, thị trường bất động sản cũng tốt hơn nhiều so với 2 lần khủng hoảng trước.
Đối với Chính phủ, kinh nghiệm trong điều tiết thị trường đã nhiều hơn, xử lý nhanh và chuẩn xác hơn về mặt chính sách. Các doanh nghiệp cũng dày dặn kinh nghiệm hơn, lực dày hơn và quản trị tốt hơn. Đối với thị trường, khách hàng cũng thông minh hơn biết cách đánh giá thị trường tốt hơn.
“Với các yếu tố này, tôi cho rằng, chúng ta sẽ hoá giải các khó khăn của thị trường tốt hơn so với các lần khủng hoảng trước”, ông Đính nói.
Ngoài ra, trong giai đoạn này, các hiệp hội và doanh nghiệp cũng đã lên tiếng, Chính phủ cũng đã đưa ra hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như hoãn, giãn thuế. Những chính sách này khá phù hợp song nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng, Chính phủ phải có những chính sách cụ thể hơn để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Như vậy, một phần tắc rất lớn là do chính sách chứ không phải dịch bệnh. Như mô hình condotel, các nhà đầu tư bỏ tiền vào thì phải sinh lời và phải có sự công nhận, pháp lý cụ thể, muốn có thanh khoản thì phải có giấy tờ pháp lý thì họ mới mang ra thị trường để giao dịch.
Thị trường bất động sản năm 2020 gặp nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kỳ vọng trong quý III sẽ về đích. Ảnh minh họa. |
Hiện, những thứ doanh nghiệp cần nhất là chính sách chứ những chính sách trong đợt Covid-19 vừa qua đến giờ nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hề được “hưởng”.
Trong thời gian tới, chắc chắn rằng các doanh nghiệp sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn giai đoạn vừa qua. Bởi như giai đoạn giãn cách xã hội, hơn 80% doanh nghiệp bất động sản đã phải dừng hoạt động, trong đó có những doanh nghiệp rất lớn như Hải Phát Land, Đất Xanh, DKRA,…
“Tuy nhiên, nếu chúng ta phải đối mặt với giãn cách xã hội một lần nữa, tôi cho rằng, chúng ta phải đẩy mạnh các giải pháp online, bán hàng từ xa và cũng phải cơ cấu, tinh gọn bộ máy, song cũng tránh tối đa cắt giảm quân số. Lúc này rất cần phải có sự tính toán hợp lý”, ông Đính tính toán.
Đồng thời, Chính phủ cũng nên đẩy nhanh hơn việc tháo gỡ các vấn đề chính sách. Nhiều doanh nghiệp cho rằng không cần hỗ trợ mà cần tháo gỡ các vấn đề sản xuất kinh doanh để họ thu hồi dòng vốn đầu tư.
Chính phủ sẽ bổ sung tiếp các gói hỗ trợ?
Dưới góc nhìn kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng có có 3 nhóm giải pháp quan trọng để hỗ trợ và vượt qua khó khăn bởi Covid-19. Trong đó, giải pháp đầu tiên, quan trọng nhất là chúng ta cần phải kiểm soát được dịch bệnh. Thứ hai là các gói hỗ trợ phải đúng, trúng, hiệu quả và có tính lan tỏa. Thứ ba là cần hợp tác quốc tế trong phòng chống Covid.
“Với Việt Nam, tôi cho rằng chúng ta cần kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng không thái quá, cố gắng không phải cấm vận, phong tỏa. Chúng tôi mong muốn Chính phủ tìm được điểm tối ưu để cân bằng giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế“, ông Lực nhìn nhận.
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng. Ảnh: Bizlive. |
Ông Lực đánh giá Chính phủ có phản ứng rất sớm và sớm đưa các gói hỗ trợ, nhưng cho tới thời điểm hiện tại, các gói mới chỉ triển khai được 20-25%. Do đó, cần đẩy nhanh giải ngân các gói hỗ trợ này, rối ở đâu thì phải tháo gỡ ngay ở đó để các doanh nghiệp có thể tiếp cận sớm.
Đồngg thời, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần rà soát lại đối tượng để các gói hỗ trợ được mở rộng hơn, đối tượng được hỗ trợ chính xác hơn và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công để có sức lan tỏa đến các ngành nghề khác trong nền kinh tế. Thu hút tốt các dòng vốn trong nước và ngoài nước, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho bất động sản và công nghệ số.
“Tôi được biết Chính phủ đang bổ sung tiếp các gói hỗ trợ và sẽ kéo dài trong cả năm 2020. Chúng ta có thể chấp nhận thâm hụt ngân sách lớn hơn, nợ công cao hơn. Hiện tỷ lệ nợ công của nước ta ở quanh mức 56% GDP nên dư địa còn khá lớn, chúng ta còn nguồn lực để thực hiện mà không phá vỡ ổn định kinh tế vĩ mô“, TS. Võ Trí Thành chia sẻ.