Nhiều doanh nghiệp báo lỗ
Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng quý I/2020 và dự báo quý II/2020 của Tổng Cục Thống kê ngày 25/3/2020 cho thấy có đến 47,5% doanh nghiệp xây dựng đánh giá tình hình kinh doanh quý I/2020 khó khăn hơn so với quý trước của năm 2019, đặc biệt là doanh nghiệp trong khu vực ngoài Nhà nước và có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Mặt khác, các đơn vị nghiên cứu thị trường cũng ghi nhận trong quý I/2020, nhiều doanh nghiệp bất động sản lâm vào cảnh khó bởi dịch Covid-19 vì không thể mở bán dự án, các hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, không có nguồn thu do không bán được hàng.
Như vậy, cả doanh nghiệp bất động sản, xây dựng và người mua nhà đều gặp khó khăn. Do dịch Covid-19 người mua nhà bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, dẫn đến có khoảng 10% người mua nhà phải thanh lý hợp đồng. Điều này càng tạo thêm áp lực lên doanh nghiệp bất động sản, lợi nhuận trong quý I của doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng.
Như Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG), báo cáo tài chính quý I/2020 cho thấy, doanh thu chỉ đạt 602 tỷ đồng, giảm đến 60% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 67,5 tỷ đồng, giảm gần 240 tỷ đồng so với con số 307 tỷ đồng của quý I/2019.
Hàng tồn kho của DXG tăng lên 8.552 tỷ đồng và chủ yếu đến từ các dự án bất động sản dở dang như Gem Riverside (quận 2), Opal Boulevard, ST Moritz (quận Thủ Đức), Khu dân cư Long Thành (tỉnh Đồng Nai), La Maison, Sunview Sky, Opal City… Trong đó, tồn kho tại dự án Khu dân cư Long Thành lên đến 3.211 tỷ đồng.
Lý giải về nguyên nhân lợi nhuận sau thuế công ty mẹ giảm gần 240 tỷ đồng (tương đương giảm 78%), đại diện doanh nghiệp này cho rằng do tình hình dịch Covid-19 và ảnh hưởng chung của thị trường, xã hội. Vì vậy, các hoạt động kinh doanh, xây dựng, bàn giao bị gián đoạn kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh trong quý giảm.
Dịch covid-19 ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp bất động sản (Ảnh minh hoạ) |
Tương tự, Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2020 với doanh thu thuần và lợi nhuận đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, Công ty ghi nhận doanh thu thuần quý I/2020 đạt gần 270 tỷ đồng, giảm 30% so quý I/2019. Trong đó, doanh thu hoạt động môi giới bất động sản giảm 29%, xuống 221 tỷ đồng; doanh thu đầu tư bất động sản giảm 11%, xuống 46 tỷ đồng. Quý I/2020, Công ty đạt 42,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối quý I/2020, tổng tài sản của Công ty đạt 2.664 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ phải trả giảm 5% về hơn 743 tỷ đồng.
Tại báo cáo tài chính quý I/2020 của Công ty CP Coteccons (CTD) ghi nhận chỉ đạt 123,46 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lãi gộp quý I/2020 của Coteccons đạt 194,38 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp 5,47%, thấp hơn mức 6,43% trong cùng kỳ năm trước. Doanh thu tài chính trong kỳ giảm 14,37% xuống 62,27 tỷ đồng do lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng giảm.
Còn theo báo cáo của Công ty cổ phần Ðầu tư Xây dựng Xuân Mai (XMC), doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này trong quý đầu năm 2020 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, do nhiều công trình phải tạm dừng thi công theo quy định nhằm phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, doanh thu ước đạt 175 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Hết dịch, tăng trưởng sẽ trở lại?
Đánh giá về nguyên nhân sụt giảm lãi của các doanh nghiệp, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup nhìn nhận, Cenland (thành viên của CenGroup) và một số doanh nghiệp giảm lãi, điều này mặc dù không đạt được như kế hoạch và cùng kỳ năm ngoái nhưng kết quả vẫn dương.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup |
Ông Hưng nhận định nguyên nhân là do ở lĩnh vực bất động sản, khách hàng thực hiện giãn cách xã hội và tâm lý giữ tiền chờ đợi khi hết dịch giá nhà đất sẽ rẻ hơn để “bắt đáy”, đã dẫn đến giao dịch bị giảm. Hơn nữa, nguồn cung mới ra hạn chế, hiện nay sản phẩm bán chủ yếu đến từ các dự án đã thực hiện từ trước nên không có hàng để bán. Đối với các doanh nghiệp xây dựng, do chỉ thị giãn cách xã hội nên tất cả các công trình, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng không được ra vào các dự án để triển khai công việc. Dù tiến độ xây dựng chậm vài tháng sẽ không dẫn đến vấn đề gì nghiêm trọng nhưng vài tháng nữa thị trường có thể sẽ thiếu cung.
Mặt khác, ông Hưng cũng lạc quan dự báo: “Thời gian tới du lịch và hàng không tiếp tục bị ảnh hưởng, còn nhu cầu mua nhà, thuê nhà không thể thay đổi, đó là nhu cầu cơ bản. Nhiều nhà đầu tư vẫn giữ tiền vào thời điểm này, biết đâu sau khủng hoảng kéo dài sẽ mua được nhà với rẻ hơn vì tâm lý chờ đợi.
Nói chung, khách hàng sẽ nhìn nhận được nơi nào an toàn và không an toàn cho cuộc sống cơ bản của mình để có kế hoạch và phương án đổi nhà, mua nhà. Nếu chỗ quá đông đúc, chật chội, có nguy cơ lây nhiễm nhiều hơn đương nhiên họ sẽ không chọn. Song hầu hết các khu đô thị, chung cư hiện đại đang ngày càng được đảm bảo an toàn hơn. Các khu đô thị có bảo vệ, có camera kiểm soát, có vệ sinh chung cư sạch sẽ, khử trùng thường xuyên.
Trong khi đó, tại các khu nhà ở truyền thống dễ bị ảnh hưởng bởi an ninh kiểm soát chưa cao, thậm chí không có bảo vệ. Do đó, kỳ vọng sau khi kiểm soát được dịch bệnh, các sản phẩm nhà ở tại các dự án an toàn được đón nhận sẽ là động lực góp phần gia tăng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp”.
Ở góc nhìn chuyên gia, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho hay, thời gian vừa qua thị trường bất động sản Việt Nam không phải không có nhu cầu mà nguồn cung không có. Rất nhiều công ty xây dựng phải cách ly xã hội không có người lao động làm việc, nhà cung ứng nguyên vật liệu cũng dừng làm việc, nhiều công ty xây dựng mất tính thanh khoản, thanh toán cho nhà thầu rất khó khăn. Do đó, nguồn cung không đáp ứng được khiến cho việc kinh doanh bất động sản cũng gặp trở ngại lớn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu |
Trước việc hàng loạt doanh nghiệp bất động sản và xây dựng sụt giảm lợi nhuận kinh doanh, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng mong muốn các doanh nghiệp được hưởng lợi từ gói chính sách kích cầu của Chính phủ như được giãn thuế, có chương trình cho các doanh nghiệp này vay, đặc biệt là các công ty xây dựng và những công ty sản xuất vật liệu xây dựng…
Nhận định về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay: “Mặc dù ngành bất động sản nói chung không bị tác động mạnh như du lịch, hàng không, nhưng triển vọng không khả quan trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Trong những quý tới, kinh doanh và đầu tư bất động sản cần cẩn trọng và đến cuối năm nếu thị trường vẫn trì trệ thì cần có các chính sách quyết liệt và các biện pháp phòng ngừa của Chính phủ để chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy”.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Cùng với việc duy trì thị trường phát triển ổn định, các cơ chế chính sách pháp luật cũng cơ bản được hoàn thiện, có hiệu lực và gia tăng hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Theo đó, số lượng dự án ngày càng nhiều, quy mô dự án lớn tăng cao, sản phẩm bất động sản ngày càng đa dạng phong phú. Nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới… với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ đã được hình thành.
Theo Tuệ An/Reatimes.vn