Giá các bất động sản cho thuê đã giảm mạnh 30%-50% nhưng khách thuê vẫn chưa vội ký hợp đồng vì lo ngại hoạt động kinh doanh sắp tới chưa ổn định. Người lao động, nhân viên các công ty bị giảm thu nhập nên chỉ tìm nhà trọ giá rẻ…
Giảm 50% vẫn ế
Anh Trần Hưng, có 3 căn nhà cho thuê làm nhà hàng, quán cà phê ở khu vực quận 1 và quận 3 (TP HCM), cho biết trước đây cho thuê 3 căn nhà, anh thu về 180 triệu đồng/tháng. Vì dịch Covid-19 nên anh bấm bụng giảm 50% tiền cho thuê nhưng khách cầm cự không nổi vừa trả mặt bằng 2 căn, còn 1 căn khách vẫn đang thuê nhưng chỉ bán online cầm chừng. “Tôi đang đề nghị nếu khách ký hợp đồng thuê tiếp sẽ giảm giá 30%-40% trong 1 năm nhưng họ lưỡng lự chưa đồng ý vì không biết khi nào buôn bán mới trở lại bình thường” – anh Hưng rầu rĩ.
Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, rất nhiều mặt bằng kinh doanh ở các tuyến đường lớn, quận trung tâm TP HCM cũng như các shophouse ở các khu chung cư đang trong tình trạng cửa đóng then cài. Bảng hiệu cho thuê xuất hiện dày đặc. Nhiều quán cà phê, trà sữa, nhà hàng, cửa hàng thời trang… đua nhau trả mặt bằng sau những ngày giãn cách xã hội vì không cầm cự nổi.
Hầu hết chủ các mặt bằng cho thuê hiện nay không còn hét giá như trước mà chủ động giảm 30%-40% so với cùng kỳ năm ngoái, ít ràng buộc về thời hạn thuê hay điều kiện thanh toán nhưng cũng không dễ tìm được khách thuê. Bởi chưa biết khi nào dịch bệnh mới thực sự kết thúc, kinh tế vận hành lại bình thường.
Hàng loạt mặt bằng cho thuê trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP HCM đóng cửa vì không có người thuê.Ảnh: TẤN THẠNH
Tình trạng này không chỉ diễn ra ở TP HCM mà những tuyến phố kinh doanh sầm uất ở Hà Nội với mặt bằng luôn được giới kinh doanh săn lùng như Hàng Ngang, Hàng Đào, Tràng Tiền, Hàng Da (quận Hoàn Kiếm)… cũng đang đồng loạt gắn biển cho thuê nhà do khách cũ chấm dứt hợp đồng vì kinh doanh khó khăn trong dịch Covid-19.
Cùng chung cảnh ngộ, các khu căn hộ dịch vụ (apartment) ở các quận trung tâm TP HCM đang rất vắng khách thuê nên giá cũng giảm từ 20%-30%. Trung bình trước đây giá thuê 1 căn hộ dịch vụ 25-40 m2 với đầy đủ bếp, tiện nghi giá từ 400-600 USD/tháng nhưng hiện tại cao nhất cũng chỉ 450 USD/tháng.
Báo cáo mới nhất của CBRE Việt Nam cho thấy 79% khách thuê tham gia khảo sát lo lắng doanh thu 6 tháng cuối năm sẽ xấu hơn; 43% khách thuê tham gia khảo sát cho rằng doanh thu sẽ giảm từ 10%-30% trong năm 2020. Bên cạnh đó, 61% khách thuê tham gia khảo sát cho biết họ chưa được nhận các hỗ trợ từ chủ nhà và 27% mong đợi các chủ nhà hỗ trợ nhiều hơn vì hoạt động kinh doanh của họ đang bị ảnh hưởng nặng vì Covid-19. Điều này dẫn tới việc trả mặt bằng kinh doanh nhà phố diễn ra phổ biến hơn, chủ yếu là từ những đơn vị kinh doanh nhà phố nhỏ lẻ, không đủ tiềm lực duy trì kinh doanh dài hạn. Trong khi những thương hiệu kinh doanh theo chuỗi, việc đóng cửa một số cửa hàng nhà phố, đồng thời phối hợp với chính sách tái cấu trúc hoặc cắt giảm lương cho nhân viên cũng là một giải pháp ngắn hạn nhằm ổn định lại nguồn ngân sách đang gặp nhiều khó khăn.
Báo cáo quý I/2020 của trang thông tin batdongsan.com.vn cũng cho thấy giá bất động sản cho thuê ở các thành phố lớn đã giảm đáng kể. 63% các tuyến phố ở TP HCM giảm giá thuê nhà riêng, nhà mặt phố. Còn tại Hà Nội, Đà Nẵng con số này lần lượt là 56% và 50%.
Nhà trọ ế chưa từng thấy!
Một phân khúc cho thuê cũng đang bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19 là nhà trọ công nhân, sinh viên. Hiện giá thuê phòng trọ ở một số quận vùng ven của TP HCM đã giảm tới 30%-50%, chỉ còn 1,5-3 triệu đồng/tháng/phòng. Đáng chú ý, đây từng là phân khúc khá dễ làm, dễ kiếm lời với những nhà đầu tư cá nhân hay hộ gia đình nhưng hiện tại lại làm cho nhiều người lo lắng.
Bà Hoa (ngụ quận 1) năm ngoái đầu tư tới 55 tỉ đồng mua đất xây 2 khu nhà trọ cao cấp với tổng cộng 70 phòng ở đường Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh) và Tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân) để cho thuê. Thời điểm đó bà nhẩm tính với giá thuê khoảng 3-4,5 triệu đồng/phòng/tháng thì chỉ vài năm sẽ lấy lại vốn và có lời, chưa kể giá trị đất cũng tăng theo thời gian. Tuy nhiên, khi các khu trọ vừa xong thì gặp dịch Covid-19. Từ đó đến nay, bà treo bảng cho thuê nhưng rất ít người hỏi. “Nhiều người đến trả giá thuê chỉ 2-3 triệu đồng/tháng, thấy thấp quá nên tôi không chịu. Vì vậy mà cả hai khu trọ, tỉ lệ lấp đầy chưa tới 10%, giá thuê cũng chỉ 3-3,5 triệu đồng/phòng/tháng, còn lại 90% không biết bao giờ mới cho thuê hết trong khi tiền vay ngân hàng tháng nào cũng phải trả” – bà Hoa than thở.
Tương tự, một chuỗi gần 200 nhà trọ ở quận Tân Phú nhưng số bỏ trống lên tới cả trăm phòng. Chủ khu trọ đã giảm 50% tiền thuê nhưng tình trạng nợ tiền nhà vẫn thường xuyên xảy ra.
Bà Huyền (nhà ở khu Tên Lửa, quận Bình Tân), chuyên thuê đất hoặc thuê nhà nguyên để làm nhà trọ ở các quận Tân Bình, Bình Tân cho biết chưa bao giờ phòng trọ ế ẩm như hiện nay. Khách thuê cũ phải giảm giá 20%-30% nếu không họ đòi dọn đi chỗ rẻ hơn hoặc chỗ giá tương tự nhưng rộng rãi và khang trang hơn.
“Nếu mình không giảm giá thì thất thu vì tháng nào cũng phải trả tiền thuê cho chủ đất, chủ nhà. Chỉ mong các doanh nghiệp sớm làm ăn tốt trở lại để công nhân thuê phòng, chứ nếu không sắp tới không biết thế nào” – bà Huyền nói.