Tòa soạn Môi trường và Việt Nam điện tử nhận được thông tin phản ánh về việc đấu giá quyền sử dụng đất tại dự án khu dân cư xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình do Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Tiền Hải tổ chức đấu giá (233 lô đất).
Kết quả cuộc đấu giá chỉ có duy nhất một cá nhân ông Nguyễn Huy Trung có địa chỉ tại xã Nguyên Xá, Đông Hưng, Thái Bình trúng trọn gói 233 lô đất.
Dự án Khu dân cư xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. |
Chuyện đấu giá đất ở Thái Bình đang rất phức tạp
Việc đấu giá quyền sử dụng đất thời gian gần đây tại tỉnh Thái Bình đang rất phức tạp sau vụ án liên quan đến vụ án Nguyễn Xuân Đường (49 tuổi, tức Đường “Nhuệ”)
Cụ thể, liên quan đến vụ án Nguyễn Xuân Đường (49 tuổi, tức Đường “Nhuệ”) cùng đồng phạm đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Cố ý gây thương tích. Căn cứ kết quả điều tra, ngày 16/4, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố 4 bị can, trong đó có Phạm Văn Hiệp (36 tuổi), là Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp.
Trước khi bị bắt giữ, Phạm Văn Hiệp chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành về mọi hoạt động của trung tâm đồng thời thực hiện nhiệm vụ của đấu giá viên trong các cuộc đấu giá do mình chủ trì tại các cuộc đấu giá đất trên địa bàn các huyện của tỉnh Thái Bình.
Đấu giá đất ở Thái Bình liên quan đến Đường Nhuệ còn phải kể đến câu chuyện: “Có 46 lô đất mà đông người quá. Lộc ai người đấy hưởng, vợ Đường Dương trúng có hơn 30 lô, hơn chục lô còn lại thì hơn 700 người chia nhau nhé”. Tại cuộc đấu giá 46 lô đất trong tháng 3/2020 tại xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Sau vụ án Đường Nhuệ, có thể thấy các cơ quan chức năng chuyên môn, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình cũng như lãnh đạo UBND cấp huyện cũng đã chặt chẽ hơn trong các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương. Ví dụ điển hình như, ngày 17/6/2020 Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, ông Đặng Trọng Thăng vừa ký quyết định số 1735/QĐ – UBND về việc hủy kết quả đấu giá quyền sử dụng đất; hủy công nhận chủ đầu tư thực hiện dự án phát triển nhà ở thương mại tại phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình gồm 128 lô đất liền kề.
Đó là một động thái thể hiện lãnh đạo tỉnh Thái Bình đang giám sát rất chặt chẽ việc đấu giá quyền sử dụng đất tại các huyện trong tỉnh. Có thể thấy rằng việc đấu giá quyền sử dụng đất ở tại Thái Bình sau khi đã được xây dựng đầy đủ hạ tầng kỹ thuật đã đem lại một sự thay đổi lớn diện mạo hạ tầng kỹ thuật cho từng huyện nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung và thu hút được ngân sách nhà nước. Không những thế đó còn là nguyện vọng và mong mỏi của nhân dân.
Dự án khu dân cư xã Đông Lâm nằm trên trục đường quốc lộ 39B |
Thế nhưng, ở thời điểm được coi là rất “nhạy cảm” trong công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại Thái Bình thì mới đây huyện Tiền Hải lại tổ chức một cuộc đấu giá quyền sử dụng 233 lô đất (đã xây dựng đầy đủ hạ tầng, kỹ thuật) tại dự án khu dân cư xã Đông Lâm theo phương án đấu giá trọn gói. Kết quả một cá nhân “ôm” tất cả 233 lô.
Cụ thể, ngày 18/6/2020 UBND huyện Tiền Hải có văn bản số 3209/QĐ – UBND về việc phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở tại xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Qua đó duy nhất một cá nhân là là ông Nguyễn Huy Trung có địa chỉ tại xã Nguyên Xá, Đông Hưng, Thái Bình trúng tất cả 233 lô đất với số tiền trúng đấu giá là 152 tỷ đồng.
Quyết định và Danh sách các hộ trúng đấu giá quyền sử dụng đất của UBND huyện Tiền Hải. |
Nếu so sánh với “thành tích” trúng 30/46 lô đất của Đường Nhuệ tại huyện Kiến Xương thì gấp khoảng 6 lần. Dẫu biết rằng cần phải tính đến phương án đấu giá và ở Tiền Hải là phương án đấu giá trọn gói. Tuy nhiên liệu phương án này, có phù hợp với nguyện vọng của nhân dân là muốn được trực tiếp tham gia đấu giá quyền sử dụng đất chứ không phải mua lại với giá cao. Hơn nữa cơ sở pháp lý nào để huyện Tiền Hải đưa ra phương án đấu giá quyền sử dụng đất trọn gói như vậy.
Liệu Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ông Đặng Trọng Thăng có nắm được sự việc và quan điểm của lãnh đạo tỉnh Thái Bình là như thế nào về phương án đấu giá quyền sử dụng đất dự án khu dân cư xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải?
Huyện Tiền Hải nói gì về phương án đấu giá quyền sử dụng đất.
Để làm rõ thông tin, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử có buổi làm việc với ông Bùi Đức Thàn – Phó GĐ TT Phát triển quỹ đất huyện Tiền Hải. Ông Thàn cho biết: “Nếu đấu lẻ sẽ không bao giờ đấu hết được. Vì người dân chỉ muốn mua những lô ngoài mặt đường, còn phía trong thì không ai mua. Vì thế phải đưa ra phương án đấu giá trọn gọn để thu hồi nhanh ngân sách. Trung tâm phát triển quỹ đất và công ty đấu giá đã thực hiện đầy đủ quy trình đấu giá, thông tin công khai minh bạch trên đài phát thanh”.
Cơ sở hạ tầng của dự án đã được xây dựng đầy đủ |
Liệu lời giải thích của vị Phó GĐ TT Phát triển quỹ đất huyện Tiền Hải có thuyết phục được dư luận. Hơn nữa cơ sở pháp lý nào để huyện Tiền Hải đưa ra phương án đấu giá quyến sử dụng đất trọn gói như vậy? Chỉ biết rằng hệ lụy từ việc này là người dân địa phương nếu như có nhu cầu mua đất ở tại đây sẽ rất khó khăn. Theo ghi nhận của PV, hiện nay các lô đất tại dự án đang có giá rất cao giao động từ 4-9 triệu/m2.
Ở một diễn biến khác, tại buổi làm việc với PV ông Trần Văn Ơn – Chủ tịch UBND xã Đông Lâm, ông Ơn thông tin: Quan điểm của xã là không thích phương án đấu giá trọn gói như vậy, việc này sẽ tạo điều kiện cho các cá nhân đầu cơ đất và đẩy đất lên giá cao.
Bài tiếp: Cơ sở pháp lý nào để huyện Tiền Hải đưa ra phương án đấu giá trọn gói?