Theo ông Ninh, cho đến gần hết quý 2/2020 nguồn cung sụt giảm không chỉ do Covid-19 mà xuất phát từ năm 2019 do thể chế chồng chéo pháp luật. Về giá cả, do cung giảm nhưng nhu cầu cũng giảm nên giá không có biến động nhiều. Điểm nghẽn lớn nhất là đất công xen kẹt trong các dự án và điều này đang được sửa đổi bằng một Nghị định.
Ông Ninh chia sẻ, kinh nghiệm của các nước cho thấy, khi thị trường bất động sản khó khăn thì người thu nhập thấp sẽ là đối tượng cần được quan tâm nhiều nhất, trong đó phân khúc nhà ở xã hội là lĩnh vực được quan tâm đầu tư.
Tuy nhiên, chính sách phát triển nhà ở xã hội hiện đang có nhiều vướng mắc, nhất là quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại hiện nay còn thiếu hay các quy định lựa chọn đầu tư nhà ở xã hội cũng chưa được rõ; ưu đãi đối với nhà đầu tư về lợi nhuận định mức, quản lý nguồn vốn ưu đãi cũng chưa được quy định rõ trách nhiệm.
Chính vì vậy, hiện Bộ Xây dựng, Chính phủ đang sửa đổi, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phân khúc này. Khi nhà ở xã hội phát triển tốt sẽ hỗ trợ thị trường.
“Để tháo gỡ cho nhà ở xã hội sau khi gói 30.000 tỉ đồng kết thúc, Bộ Xây dựng đã nhiều lần kiến nghị cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại và hiện đã có gói tín dụng này với khoảng 2.000 tỉ đồng. Từ đây các ngân hàng thương mại sẽ huy động thêm trên dưới 60.000 tỉ đồng. Những dự án nhà ở xã hội đang triển khai mà vướng mắc về vốn sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để có giải pháp hỗ trợ cho vay. Như vậy những năm tới phân khúc nhà ở xã hội sẽ khởi sắc”, ông Ninh cho hay.
Cũng theo ông Ninh, trong thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết khuyến khích nhà ở thương mại giá thấp bởi hiện nay đang lệch pha, bất động sản cao cấp nhiều, nhà giá thấp ít. Nhà nước sẽ điều tiết bằng cách tăng ưu đãi cho những doanh nghiệp tham gia vào phân khúc căn hộ thương mại giá thấp diện tích dưới 75 m2, giá dưới 20 triệu đồng/m2. Dự kiến trong quý 3/2020 sẽ có dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ. Nếu nghị quyết này ra đời sẽ giúp thị trường phát triển ổn định, hài hòa.
Lan Nhi
Theo Nhịp sống kinh tế