Nhà thuê “ngấm đòn” vì đại dịch
Theo đánh giá của Công ty Savills Việt Nam về thị trường bất động sản TP.HCM từ đầu năm đến nay, mặc dù tình hình hoạt động chung của lĩnh vực bán lẻ đang giữ ở trạng thái tích cực nhưng dưới tác động của đại dịch COVID-19, phân khúc nhà phố cho thuê vẫn đang chịu những ảnh hưởng tiêu cực.
Điển hình là việc trả mặt bằng hàng loạt tại các khu phố vốn rất sầm uất và cao cấp của Thành phố.
Các chuyên gia ghi nhận sau giai đoạn giãn cách xã hội, doanh thu bán lẻ TP.HCM trở lại đà tăng trưởng theo tháng ở mức 20% vào tháng 5 và 5% vào tháng 6.
Doanh thu lưu trú và ăn uống tăng mạnh khoảng 80% trong tháng 5 và 42% vào tháng 6. Cùng đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá cũng tăng nhưng ở mức thấp hơn, lần lượt đạt 12% và 3% trong các tháng 5 và 6.
Giá thuê trong phân khúc bán lẻ trung bình giảm nhẹ, âm 1% theo quý nhưng vẫn ổn định theo năm. Nhằm hỗ trợ khách thuê bị ảnh hưởng trong thời gian giãn cách xã hội, hầu hết các chủ mặt bằng đã giảm giá thuê đến 30% vào tháng 4 và tháng 5.
Khi lưu lượng khách mua sắm phục hồi kể từ tháng 6, các trung tâm thương mại đã đề xuất mức giảm giá 15% hoặc giảm phí dịch vụ đến 2 USD/m2.
Trong khi đó, với phân khúc nhà phố cho thuê, rất nhiều chuỗi ăn uống và thời trang tại các vị trí đắc địa nhưng tình hình kinh doanh giảm sút đã buộc phải đóng cửa hoặc thu gọn kinh doanh.
Mặt bằng kinh doanh trên “đất vàng” đua nhau đóng cửa, rao bán nhà. Ảnh: VNE. |
Hàng loạt nhà phố tại các khu vực trung tâm phụ thuộc vào lĩnh vực du lịch từ khách nước ngoài như Lý Tự Trọng, Đồng Khởi tại Quận 1 đã tạm ngừng hoạt động hoặc trả mặt bằng do chịu ảnh hưởng nặng nề của quy định hạn chế đi lại giữa các quốc gia.
Điển hình về tình trạng gặp khó của các chủ nhà cũng như khách thuê trong thời gian này là các khu phố Hàn Quốc quanh khu vực quận 7. Đây là nơi tập trung rất nhiều người Hàn Quốc tới Việt Nam làm việc và sinh sống, đặc biệt là quanh phường Tân Phong, Phú Mỹ Hưng và đã từng là một thị trường rất lí tưởng dành cho ngành bán lẻ, với mật độ dân số đông, cư dân là những người có thu nhập và chất lượng cuộc sống cao.
Đóng cửa biên giới, thắt chặt chi tiêu khiến giá thuê nhà phố rớt thảm
Theo bà Trần Thị Thu Hà, phụ trách mảng bản lẻ của Savills Việt Nam cho biết, lệnh giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới cùng việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng dẫn tới sự sụt giảm nghiêm trọng trong kinh doanh của các doanh nghiệp. Trước thời điểm dịch bệnh, tỷ lệ lấp đầy của bất động sản bán lẻ luôn duy trì ở mức 95%, nay tỷ lệ bỏ trống đã lên đến 40%.
Dẫu vậy, theo bà Hà, chủ nhà có thể lựa chọn việc chủ động giảm giá cho khách thuê, tìm khách hàng mới lấp chỗ trống, hoặc tìm đến một đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để được hỗ trợ và tư vấn việc tiếp cận các doanh nghiệp hoặc ngành hàng tiềm năng cho việc hợp tác lâu dài.
Còn về phía khách thuê, việc lựa chọn ngành nghề phù hợp để đầu tư cũng là một hướng đi quan trọng trong thời điểm này. Mặc dù đại dịch Covid đã, đang và sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến rất nhiều ngành hàng nhưng theo chuyên gia Savills, những phân khúc liên quan đến lợi ích sinh hoạt, nhu yếu phẩm, y tế sức khỏe, điện tử lại rất tiềm năng, hứa hẹn phát triển trong tương lai.
Tương tự tại Hà Nội, nhiều hàng quán ở khu phố cổ đã đóng cửa, treo biển cho thuê cửa hàng. Quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, một số tuyến phố như Hàng Đào, Hàng Bạc, Cầu Gỗ, nhiều cửa hàng ăn uống, kinh doanh thời trang buôn bán ế ẩm. Không ít cửa hàng không trụ nổi với tiền thuê nhà đắt đỏ đã phải tạm thời đóng cửa, hoặc sang nhượng lại mặt bằng.
Doanh nghiệp nhỏ dễ bị ảnh hưởng
Tại Hà Nội, mặc dù lượng khách và doanh số sụt giảm do cách ly trong tháng tư đã phục hồi nhẹ trong tháng 5 và tháng 6, tuy nhiên, doanh số bán lẻ vẫn ở mức thấp do hàng hóa nhập khẩu bị hạn chế cũng như thu nhập và sức mua bị tác động bởi đại dịch.
Tổng nguồn cung bán lẻ trên thị trường đạt khoảng 1,6 triệu m2, ổn định theo quý và tăng 5% theo năm. Khu vực nội thành chiếm thị phần 42% nguồn cung và có mật độ bán lẻ cao nhất là 0,46 m2/người. Phân khúc trung tâm mua sắm chiếm lĩnh với thị phần 57 phần trăm.
Giá thuê gộp trung bình tầng trệt giảm 2% theo quý và 3% theo năm xuống mức thấp kỷ lục hai năm. Công suất thuê trung bình giảm 2 điểm % theo quý và 4 điểm % theo năm xuống mức thấp kỷ lục ba năm.
Nhiều mặt bằng kinh doanh ở Hà Nội cũng không tránh khỏi tình trạng trên. Ảnh: TPO. |
Lý giải nguyên nhân khiến phân khúc nhà phố cho thuê chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid hơn so với tình hình hoạt động chung của lĩnh vực bán lẻ và các trung tâm thương mại, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, công suất của trung tâm mua sắm vẫn ở mức cao do các thương hiệu nổi tiếng được trang bị tốt hơn để ứng phó trong đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, bán lẻ mặt phố chứng kiến tình trạng đóng cửa trên diện rộng do các doanh nghiệp nhỏ nhạy cảm hơn với biến động kinh tế.
Mặt khác, việc tích trữ hàng hóa nhu yếu phẩm trong thời gian dịch bệnh dẫn đến các cửa hàng mặt phố, cửa hàng tiện lợi kém được ưa chuộng hơn so với các mô hình bán lẻ quy mô lớn như đại siêu thị, siêu thị với nguồn cung sản phẩm lớn hơn, mức giá rẻ hơn, cộng thêm dịch vụ giao hàng tận nhà.
Trước đó, báo cáo của Savills Việt Nam về thị trường bán lẻ cũng chỉ ra, đại dịch COVID-19 khiến nhiều khách thuê nhà phố phải tái cấu trúc kinh doanh. Rất nhiều chuỗi ăn uống và thời trang tại các vị trí đắc địa có kinh doanh giảm sút phải đóng cửa. Nhà phố tại khu vực trung tâm phụ thuộc lĩnh vực thương mại du lịch bị hoàn trả do chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn chế đi lại giữa các quốc gia cùng với những trở ngại của việc xây dựng tuyến Metro.
Nhật Hạ (t/h)