Theo báo Công luận, Công văn nêu rõ: Vừa qua, một số báo có phản ánh: Hồ Đại Lải – công trình cung cấp nước ngọt cho tỉnh Vĩnh Phúc và TP. Hà Nội, đồng thời là danh thắng nổi tiếng đang bị “xẻ thịt” một cách không thương tiếc. Suốt chiều dài gần 1km, hàng chục nghìn khối đất được bạt từ quả đồi sát cạnh đổ thẳng xuống mép hồ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân tỉnh Vĩnh Phúc, kiểm tra thông tin báo nêu, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.
Thời gian qua, báo chí liên tục về tình trạng hàng loạt doanh nghiệp san nền, đổ đất ‘bức tử’ hồ Đại Lải làm biệt thự.
Mới đây, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã ban hành kết luận kiểm tra các hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lả. Hồ Đại Lải có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho TP Phúc Yên và 2 xã thuộc huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội).
Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch tại khu vực hồ Đại Lải, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cho phép nhiều doanh nghiệp khai thác du lịch tại đây với các dịch vụ như khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, sân golf… Việc phát triển du lịch của các doanh nghiệp đã dẫn đến hệ lụy lòng hồ bị thu hẹp và xảy ra tình trạng san lấp, lấn chiếm lòng hồ.
Việc lấn chiếm hồ Đại Lải đã được đề cập từ năm 2019. Đến đầu năm 2020, hoạt động lấn chiếm, “bức tử” hồ diễn ra rầm rộ với quy mô lớn, buộc các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNN phải vào cuộc kiểm tra và ban hành kết luận.
Hồ Đại Lải đang bị “bức tử” bởi hàng loạt dự án nghỉ dưỡng. |
Những doanh nghiệp nào đang “bức tử” hồ Đại Lải?
Tại kết luận số 253 ngày 20/2/2020 của Tổng cục Thủy lợi chỉ rõ việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất, cho thuê đất và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải cho các doanh nghiệp thực hiện dự án, trong đó có diện tích được tôn nền để xây dựng công trình, làm giảm dung tích hữu ích và dung tích phòng lũ của hồ chứa, ảnh hưởng đến nhiệm vụ và an toàn của hồ là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.
Ngoài ra, việc tôn nền đối với phần diện tích cao trình dưới MNDBT (diện tích ngập hoàn toàn theo thiết kế) làm ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất đã được xác định là hồ chứa thủy lợi vi phạm khoản 2 Điều 163 Luật Đất đai và khoản 39 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai.
Kết luận chỉ rõ, trong 4 doanh nghiệp được kiểm tra thì có 3 doanh nghiệp gồm Công ty TNHH Đại Lải, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và Thương mại Nhật Hằng, Công ty TNHH Đạt Tiến này đã san nền, đổ đất, xây tường kè, đắp đường ngăn hồ… trong phạm vi bảo vệ hồ chứa Đại Lải, thực hiện các hoạt động nhưng không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hoặc hoạt động không đúng nội dung quy định của giấy phép đã được cấp là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.
Đáng chú ý, qua kiểm tra hiện trường dự án dự án khu biệt thự, ẩm thực cao cấp Đảo Ngọc thì Công ty TNHH Đạt Tiến đã đóng cọc chắn sóng, kè bê tông, đổ đất lấn chiếm về phía lòng hồ (nằm ngoài ranh giới đất được giao) từ khoảng cao trình +19,0m đến +21,7m và đã trồng cây cảnh, làm đường bằng bê tông ven hồ (theo Kết luận thanh tra hồi tháng 1/2019 của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Vĩnh Phúc diện tích đất lấn chiếm là gần 15.600m2)….
Từ thực tế trên, Tổng cục Thủy lợi kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan, địa phương và tổ chức liên quan dừng toàn bộ các hoạt động của các doanh nghiệp thi công đào đất, san lấp tạo mặt bằng trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải từ cao trình +23m trở xuống lòng hồ.
Đồng thời, rà soát và có giải pháp xử lý, khắc phục tồn tại về việc san lấp tôn nền lấn chiếm trong phạm vi lòng hồ; Xử phạt vi phạm hành chính các doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật về thủy lợi và các quy định pháp luật khác liên quan.
Cấp, điều chỉnh nội dung giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải theo quy định của pháp luật thủy lợi;…
Theo VietnamNet, mới đây Chủ tịch UBND TP Phúc Yên Phan Tiến Dũng cho biết, sau khi Tổng cục thủy lợi có kết luận, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra các dự án đang triển khai tại khu vực hồ Đại Lải. Thời gian kiểm tra từ ngày 17/4 và hạn cuối ban hành kết luận là không quá 30 ngày.
“UBND TP Phúc Yên chỉ là thành viên trong đoàn kiểm tra của tỉnh, về phân cấp quản lý thì mặt nước do Tổng cục Thủy lợi quản lý (Tổng cục giao cho Công ty Thủy lợi Phúc Yên). Còn các doanh nghiệp hoạt động thì tỉnh cấp phép và giao mốc giới“, lời ông Dũng.
Ở góc độ TP Phúc Yên, ông Dũng cho biết thời điểm trước kết luận của Tổng cục thì UBND TP cũng nhận được phản ánh của người dân về tỉnh trạng lấn hồ, tuy nhiên do thời điểm đó TP chưa nắm được mốc giới mà các doanh nghiệp được giao nên khó xử lý.
“Thành phố đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cử cán bộ chuyên môn xuống cắm mốc giới, bởi vì khi tỉnh giao mốc cho các doanh nghiệp thì TP không nắm được.
Hiện nay, các mốc giới chúng tôi đã nắm được và các doanh nghiệp cứ thực hiện trong mốc giới. Chúng tôi theo chỉ đạo của tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp tạm dừng thi công, còn kết luận đúng sai thế nào phải chờ kết luận của đoàn kiểm tra tỉnh“, ông Dũng nói.
P.V (tổng hợp)