Chưa được cấp phép đã quảng cáo rầm rộ
Trong đơn gửi đến báo Tiền Phong, bà Nguyễn H. (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nói bị lừa dối trong quá trình mua 8 lô shophouse tại Khu đô thị Vườn Sen (TX Từ Sơn, Bắc Ninh) do CenLand đứng ra phân phối.
Theo đó, đầu tháng 5/2019, Dự án KĐT Vườn Sen được CenLand truyền thông, quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tại hội nghị triển khai bán hàng 20/5/2019, ông Nguyễn Đức Chính – Giám đốc Dự án khẳng định, dự án này đã được CenLand và Dabaco Group mua lại từ Cty Nam Hồng.
Ngày 22/5/2019, bà H. đặt cọc mua 8 lô shophouse trị giá hơn 32 tỷ đồng. Cụ thể, bà H. đã đặt cọc 8 trăm triệu đồng cho 8 lô shophouse.
Dự án Vườn Sen được quảng cáo kiểu “treo đầu dê – bán thịt chó” khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc Ảnh: T.H.
Vào lần thanh toán cuối cùng, bà H. được đại diện CenLand cho biết, CenLand chỉ là môi giới dự án. “Như vậy tại thời điểm 20/5/2019, CenLand đã không trung thực về chủ sở hữu thực sự tại dự án này. Thậm chí, tại buổi lễ tri ân khách hàng vào ngày 8/6/2019, CenLand vẫn khẳng định đã cùng với Dabaco Group mua dự án này của Cty Nam Hồng. Dự án Vườn Sen đã bị chậm nhiều năm, nếu không như lời giới thiệu quảng cáo của họ thì không nhà đầu tư nào dại dột ném tiền vào đó”, bà H bức xúc.
Từ cuối tháng 7/2020, Dự án Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy (Phú Thọ) do Công ty CP dịch vụ du lịch Onsen Fuji làm chủ đầu tư được tổ chức quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội cũng như trực tiếp ngay cạnh cổng dự án. Dự án Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy với sự góp mặt của 12 đối tác lớn, có uy tín giúp phân phối sản phẩm như: CenLand, Vinahomes, Real Pro, Grand Homes, Lux Realty, Trust Real, Vland, Everest, Home Resort, AM, IDG, Metroland…
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ khẳng định: Dự án Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy tại xã Bảo Yên, Thanh Thủy, Phú Thọ do Công ty CP dịch vụ du lịch Onsen Fuji làm chủ đầu tư chưa được cấp phép xây dựng.
Có dấu hiệu lừa dối khách hàng
Tại dự án Khu đô thị Vườn Sen, mặc dù chị Nguyễn H đã nhiều lần yêu cầu hoàn trả lại tiền cho chị nhưng phía môi giới CenLand vẫn liên tục trì hoãn. Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện CenLand cho biết, Cty đang làm việc với khách hàng về vụ việc trên, dự kiến sẽ sớm đạt được thỏa thuận với khách hàng trong thời gian tới. “Ở dự án Vườn Sen, đất vẫn là của Cty Nam Hồng, Cenland đầu tư xây dựng trên đất này”, đại diện CenLand cho hay. Đáng chú ý, đại diện CenLand phủ nhận việc kết hợp với Tập đoàn Dabaco phát triển dự án Vườn Sen.
Luật sư Nguyễn Hải Lăng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc làm của CenLand có dấu hiệu lừa dối khách hàng (theo Điều 198 – Bộ luật Hình sự 2015), đưa thông tin sai sự thật về pháp nhân của dự án: “Đưa tin sai về dự án, tự nhận mình là chủ đầu tư là lừa dối khách hàng”.
Vị luật sư này cũng cho rằng, ở đây có có dấu hiệu vi phạm Điều 57 Luật kinh doanh bất động sản, huy động vốn trái phép. “Với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều chiêu quảng cáo bất động sản được các chủ đầu tư, môi giới tung ra nhằm giành sự chú ý của khách hàng. Hình thức quảng cáo sai sự thật, “dựa hơi” những dự án lớn và chủ đầu tư uy tín để câu kéo khách hàng đã xảy ra rất nhiều trong thời gian qua”, vị này cho biết.
KTS. Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: Hiện nhiều chủ đầu tư “tay không bắt giặc”, kết nối với nhau lập dự án. Khi vừa được tỉnh cấp quyết định chủ trương, giao đất thì dùng ngay dự án để thế chấp ngân hàng hoặc bán lúa non, bán nhà trên giấy.