Không để xảy ra “sốt” giá nhà ở
Có dân số đông nhất cả nước, thành phố Hồ Chí Minh luôn là “bến đỗ” của nhiều nhà đầu tư bất động sản. Cũng chính vì vậy, thị trường bất động sản tại đây rất “nhạy cảm”, dễ tạo ra cơn “sốt” giá, thậm chí bong bóng. Thành phố đang siết chặt công tác quản lý, đồng thời tháo gỡ vướng mắc để thị trường phát triển lành mạnh, ổn định.
Dự án chung cư D’Lusso (quận 2) đang được các sàn giao dịch bất động sản rao bán với mức giá khoảng 55 triệu đồng/m2, nhưng theo anh Phạm Thanh Long (ngụ huyện Nhà Bè) – người đang tìm mua nhà cho rằng: “Tại quận 2, giá căn hộ trên 50 triệu đồng/m2 đã là khá cao. Trong khi đó, dự án D’Lusso tương đối xa trung tâm quận 1 mà giá trên 55 triệu đồng/m2 thì không thể gọi là thấp. Tôi rất lo ngại sắp tới sẽ có cơn “sốt” giá nhà ở”.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường nhà ở của Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL Việt Nam), lượng căn hộ bán ra trong quý I-2020 tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 1.980 căn, thấp hơn một nửa so với quý IV-2019, tỷ lệ bán thấp nhất kể từ giữa năm 2017 đến nay. Giá bán căn hộ bình quân ở mức 2.452 USD/m2, giảm 15% so với quý trước. Số liệu này khiến nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản bất ngờ.
“Dù đã giảm 15%, nhưng giá bán trung bình căn hộ tại thành phố vẫn ở mức trên 55 triệu đồng/m2 là quá cao. Đại bộ phận người lao động sẽ rất khó với tới”, anh Nguyễn Tân Tiến (ngụ quận Bình Tân) bày tỏ. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), đầu tư bất động sản nhà ở phân khúc cao để đẩy giá lên cao không phải là lựa chọn tốt của doanh nghiệp dù ở bất cứ thời điểm, giai đoạn nào chứ không phải trước hay sau giai đoạn dịch Covid-19. Doanh nghiệp muốn bán được sản phẩm phải có thị trường, mà thị trường thật sự là người mua để ở, đối tượng tiêu dùng này rất lớn. “Các doanh nghiệp bất động sản cần tập trung vào thị trường nội địa, chuyển hướng mạnh vào phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền, nhất là căn hộ từ 1 đến 2 phòng ngủ, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực của đa số người có thu nhập trung bình…”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
Trước tình hình trên, UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo Sở Xây dựng thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến thị trường bất động sản. Theo đó, Sở cần theo dõi diễn biến của thị trường, không để xảy ra tình trạng “sốt” giá và bong bóng bất động sản. Qua đó, tham mưu giải quyết, chuyển đổi các dự án bất động sản nhà ở trung, cao cấp đang tồn kho hoặc chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh quy mô căn hộ sang phân khúc bình dân hoặc làm nhà ở xã hội để giá nhà ở phù hợp hơn với đa số người tiêu dùng.
Bắc Kạn chọn xong nhà đầu tư cho Dự án Khu dân cư Đức Xuân 4
UBND tỉnh Bắc Kạn vừa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu dân cư Đức Xuân 4, TP. Bắc Kạn (giai đoạn 1).
Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng diện tích đất sử dụng 5,54 ha, tổng chi phí thực hiện Dự án là 49,6 tỷ đồng; thời gian thực hiện Dự án là 18 tháng, kể từ thời điểm giao đất.
Mục tiêu của Dự án là xây dựng khu dân cư đô thị, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ, hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu ở, kinh doanh buôn bán cho người dân; tạo điều kiện góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống cho người dân trong khu vực và các vùng lân cận. Liên danh nhà đầu tư được chỉ định thầu là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển Dự án.
TP Hồ Chí Minh: Chậm xử lý sai phạm trong quản lý đất đai
Ngày 17/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cùng đoàn lãnh đạo Sở ngành thành phố đã đến kiểm tra công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Tại điểm nóng về xây dựng không phép trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp kiểm tra, tìm hiểu tại nhiều địa chỉ nhà, phát hiện tình trạng chung đều không có giấy tờ, nhà mua viết giấy tay. Đây cũng là nơi đang tồn tại nhiều căn nhà xây dựng không phép, quây tôn bên ngoài.
Theo giải trình của lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh, hiện địa phương vẫn quyết liệt chỉ xử lý những người xây dựng vi phạm nhưng không xử lý được người có đất do chủ đất đã sang qua tay nhiều người.
Cũng tại buổi khảo sát, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo UBND TP và UBND huyện Bình Chánh cần phối hợp chỉ đạo xử lý tận gốc vấn đề xây dựng không phép, trong đó xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức phân lô, bán nền, kể cả những cán bộ bảo kê cho xây dựng không phép.
Không chỉ nan giải trong vấn đề xây dựng nhà sai phép, không phép, thời gian qua trên địa bàn huyện Bình Chánh còn phát hiện nhiều địa chỉ nhà đất công cho thuê không qua đấu giá; sử dụng sai mục đích, hoặc để trống hoặc đang tranh chấp, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước nhiều tỷ đồng.
Theo thông báo kết luận của Thanh tra TP HCM, qua thanh tra thành phố phát hiện tồn tại 763 địa chỉ nhà đất thuộc sở hữu nhà nước nhưng từ thời điểm năm 2008 thì UBND huyện này này mới thực hiện xử lý đối với 378 địa chỉ và cũng còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.
Đáng chú ý, UBND huyện Bình Chánh báo cáo trùng tới 100 địa chỉ nhà đất đã được UBDN TP HCM phê duyệt cho Thanh tra Bộ Tài chính vào năm 2010. Sự việc này dẫn đến việc Thanh tra Bộ Tài chính đã yêu cầu huyện Bình Chánh phải thực hiện khắc phục kê khai bổ sung 258 địa chỉ nhà đất bổ sung. Dù vậy, cho đến nay thì UBND huyện này cũng chưa thực hiện tròn trách nhiệm, còn 74/372 trường hợp chậm thực hiện theo phương án xử lý tổng thể nhà, đất.
Theo Thanh tra TP HCM, cho đến nay việc sử dụng nhiều công trình nông thôn mới như Khu Văn hóa liên xã (tại xã Tân Nhựt); Trung tâm Văn hóa – TDTT huyện Bình Chánh; Ban Nhân dân Ấp 1 xã Hưng Long;… sử dụng không hiệu quả và cũng không đúng mục đích (6/25 địa chỉ).
Bên cạnh đó, còn nhiều công trình chưa nghiệm thu để đưa vào sử dụng và có công trình lập thủ tục quyết toán kéo dài đến nay chưa hoàn tất.
P.V (tổng hợp)