Xử lý công trình xây trái phép gần mặt tiền đường ở Vũng Tàu
Ngày 22/5, UBND phường 12, TP Vũng Tàu phối hợp với các cơ quan chức năng thành phố tổ chức xử lý một công trình xây dựng trái phép gần mặt tiền đường 3-2.
Theo đó, qua kiểm tra, UBND phường 12 phát hiện tại thửa đất số 417+418 tờ bản đồ số 32 do ông Trần Thanh Hà (ngụ TP Vũng Tàu) làm chủ có hiện tượng tự ý chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.
Hiện trạng ghi nhận ông Hà đang cho công nhân thi công xây dựng móng đá, đà kiềng đổ cột bê tông quanh khu đất gần 140 m2; Đổ hố bằng bê tông cốt thép kích thước 64 m2.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Hà không xuất trình được giấy phép xây dựng tại thửa đất trên. Công trình nằm tại vị trí gần mặt tiền đường, xây dựng không che chắn. Theo chủ đất, ông chỉ có ý định xây tường rào. Các lực lượng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tháo dỡ ngay các cột bê tông.
Có mặt tại hiện trường, ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu cho biết: “Qua kiểm tra, chúng tôi yêu cầu lập biên bản xử lý ngay công trình xây dựng này. Đồng thời yêu cầu phường xử lý cán bộ quản lý trật tự đô thị đã để xảy ra vi phạm”.
Theo ông Thuấn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai, đô thị, môi trường là một nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền thành phố trong năm 2020.
Đối với các phường, xã, thành phố yêu cầu phân công mỗi khu vực một cán bộ trật tự đô thị quản lý để thường xuyên tuần tra, kiểm soát. Khu vực nào để phát sinh trường hợp vi phạm mới sẽ xử lý ngay cán bộ đó. Tùy theo mức độ vi phạm, cán bộ có thể bị chuyển công tác, nếu vi phạm nặng thì sẽ cho nghỉ việc.
Hơn 500 tỷ đồng di dời Bảo tàng Đà Nẵng khỏi thành Điện Hải
Ngày 22/5, Sở VH&TT Đà Nẵng cho biết, Chủ tịch UBND thành phố vừa có quyết định về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng (trụ sở HĐND TP) để làm Bảo tàng Đà Nẵng.
Đây là dự án cải tạo, nâng cấp các khối nhà để đón cơ sở vật chất, hiện vật đang trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng về trưng bày. Bởi Bảo tàng Đà Nẵng hiện đang nằm trong vùng lõi di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia – Thành Điện Hải.
Dự án triển khai trên tổng diện tích 8.686 m2, tổng mức đầu tư 504,9 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, do Sở VH&TT làm chủ đầu tư. Ban quản lý Dự án ĐTXD Các công trình dân dụng và công nghiệp TP Đà Nẵng là đơn vị quản lý. Dự án được chia làm hai giai đoạn, dự kiến hoàn thành năm 2022.
Giai đoạn 1 dự án có tổng mức đầu tư hơn 382 tỷ đồng, sẽ tháo dỡ khối nhà ngang hai tầng thuộc 42 Bạch Đằng, tháo dỡ cánh nhà phụ trợ HĐND TP và các hạng mục phụ trợ khác. Nhà 42 Bạch Đằng hiện trạng sẽ được chuyển đổi thành không gian trưng bày và các không gian công cộng. Đà Nẵng cũng cho xây mới nhà tiếp giáp phía tây nhà 42 Bạch Đằng, quy mô một tầng hầm và ba tầng nổi.
Kinh phí giai đoạn 2 là hơn 122 tỷ đồng, bao gồm các bước: tháo dỡ công trình 31 Trần Phú, cải tạo các khối công trình hiện trạng trả lại không gian di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải.
Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc sở VH&TT TP Đà Nẵng, đơn giá phê duyệt đã được các cơ quan chức năng của TP thẩm định. Phải nhìn vào phương án thiết kế, cũng như đề án trình bày mới thấy hết giá trị của công trình. Theo Chỉ thị 43 của Bộ Chính trị, Đà Nẵng sẽ xây dựng các trung tâm tầm cỡ khu vực miền Trung và cả nước. Công trình Bảo tàng Đà Nẵng không chỉ cho Đà Nẵng mà cả khu vực. Việc cải tạo vừa bảo tồn công trình kiến trúc cũ tại 42 Bạch Đằng mang tính lịch sử đòi hỏi yêu cầu rất cao.
Giá đất đô thị Đắk Lăk có nơi tăng gấp 3 giá hiện hành
Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Lăk vừa thông qua Bảng giá đất giai đoạn 2020-2024, với mức điều chỉnh tăng 20% trở lên.
Trong đó, đất ở đô thị thành phố Buôn Ma Thuột có mức tăng nhiều nhất, với một số đoạn tuyến tăng gần gấp 3 so với bảng giá đất hiện hành.
Theo Bảng giá đất Đăk Lăk giai đoạn 2020- 2024 vừa được thông qua, mức tăng phổ biến là từ 31% đến 90%. Đất nông nghiệp có mức tăng thấp, từ 21% đến hơn 70%. Đất đô thị ở Buôn Ma Thuột có mức tăng cao, từ hơn 20% đến hơn 300%.
Theo Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Lăk, những vị trí mới được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh. Việc tăng giá đất giai đoạn 2020-2024 của tỉnh là phù hợp với xu hướng tăng chung của toàn quốc và đảm bảo không cao hơn so với giá đất đã được áp dụng để giải phóng mặt bằng, giá giao đất, cho thuê đất đang áp dụng. Ông Y Biêr Niê, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Lăk cho rằng, bảng giá đất Đăk Lăk giai đoạn 2020 -2024 vừa được thông qua, đã đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai của nhà nước, tác động tốt đến việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
“Nghị quyết vừa thông qua về bảng giá đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2024 đã thực hiện đảm bảo tính hài hòa giữa người dân và Nhà nước làm minh bạch hơn việc quản lý đất đai. Những mặt này về tổng thể không ảnh hưởng gì đến phát triển kinh tế xã hội mà còn tạo điều kiện minh bạch về môi trường đầu tư, việc thực hiện chính sách về tài chính về đất đai của tổ chức cá nhân sử dụng đất”, ông Y Biêr Niê.
Hà Nội: Nhiều dự án nhà ở xã hội tính sai giá bán
Nhiều vấn đề về nhà ở xã hội ở Hà Nội vừa được Kiểm toán Nhà nước đề cập trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2019.
Theo đó, chương trình nhà ở xã hội (NOXH) quận Long Biên, huyện Thanh Trì, Đông Anh giai đoạn 2015-2018 chỉ đạt 14% kế hoạch, nếu tính cả các dự án đã thi công cũng chỉ đạt 38% kế hoạch do các dự án đều chậm tiến độ.
Chương trình chưa căn cứ vào nhu cầu NOXH còn thiếu đến năm 2020 để bố trí quỹ đất phát triển NOXH; quyết định chủ trương đầu tư 26 dự án không nằm trong kế hoạch nhưng không được gửi lấy ý kiến trước khi thực hiện.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, một số dự án chưa được tiếp cận đầy đủ các chính sách ưu đãi.
Thậm chí, chi phí lãi vay tính vào chí phí dự án chưa tối ưu giá bán NOXH, chưa phân bổ chính xác do chưa cân đối dòng huy động từ khách hàng và vốn chủ sở hữu làm tăng lãi vay được vốn hóa vào dự án.
Đó là dự án khu nhà ở xã hội tại ô đất B8.NOXH phường Phúc Đồng, quận Long Biên 9,94 tỷ đồng, dự án khu nhà ở Gia Quất 4,14 tỷ đồng, dự án NOXH 5B2 Đông Hội, Đông Anh 6,65 tỷ đồng.
P.V (tổng hợp)