Bình Định: Tìm nhà đầu tư 2 khu đô thị phía Tây đường Quốc lộ 19 (mới)
UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt danh mục dự án có sử dụng đất để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 2 dự án.
Đầu tiên là Dự án Khu đô thị NĐT 1 Tây đường Quốc lộ 19 (mới) có tổng vốn đầu tư là 2.932,1 tỷ đồng (tổng chi phí thực hiện Dự án là 2.300 tỷ đồng và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 632,1 tỷ đồng). Diện tích sử dụng đất là khoảng 41 ha tại phân khu NĐT-1, phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn.
Thứ hai là Dự án Khu đô thị NĐT 2 Tây đường Quốc lộ 19 (mới) có tổng vốn đầu tư là 2.999,2 tỷ đồng (tổng chi phí thực hiện Dự án là 2.600 tỷ và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 399,2 tỷ đồng). Diện tích sử dụng đất là khoảng 32 ha tại phân khu NĐT-2, phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn.
Mục tiêu đầu tư 2 dự án nêu trên là xây dựng mới khu đô thị dọc tuyến Quốc lộ 19 mới hiện đại về không gian, kiến trúc, cảnh quan; đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội…
Bất động sản công nghiệp: Đột phá để hấp thụ vốn FDI
Bất chấp dịch bệnh Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay, bất động sản công nghiệp Việt Nam được các công ty nghiên cứu nhìn nhận tích cực và đầy triển vọng. Động lực cho ngành này khởi sắc đến từ nhu cầu thuê đất của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt, khi mà cả Mỹ và Nhật Bản mới đây kêu gọi doanh nghiệp các nước này rời khỏi Trung Quốc đại lục.
Một báo cáo vừa được hãng nghiên cứu CBRE công bố cho thấy, giá thuê và tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp tại các thành phố và tỉnh sản xuất lớn của Việt Nam tăng cao. Tại miền Bắc, giá chào thuê từ 65 đến 260 USD/m2/chu kỳ thuê. Tại các vùng công nghiệp miền Nam, giá chào thuê rơi vào khoảng 80 – 300 USD/m2/chu kỳ thuê. Dù giá thuê đất khu công nghiệp tại Việt Nam tăng mạnh, nhưng với mức giá trung bình 103,5 USD/m2/chu kỳ thuê, Công ty CP Chứng khoán VNDirect đánh giá đây vẫn là mức thấp thứ hai trong các quốc gia khu vực Đông Nam Á, chỉ cao hơn giá thuê đất tại Myanmar.
Để đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc, nhiều chủ đầu tư các khu công nghiệp đang rầm rộ triển khai thêm dự án. Chỉ trong vòng 3 ngày từ 15 đến 17/5/2020, trên địa bàn tỉnh Long An đã có 2 khu công nghiệp được động thổ, gồm: Khu công nghiệp Việt Phát (huyện Thủ Thừa) và Khu công nghiệp Đức Hòa III (huyện Đức Hòa).
Trước tình hình giá cao su bất lợi, các doanh nghiệp cao su cũng trưng dụng đất cao su để tạo lập quỹ đất cho việc triển khai các khu công nghiệp. Mới đây, Công ty CP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, doanh nghiệp chuyên kinh doanh cho thuê khu công nghiệp tại Bình Dương, được UBND tỉnh Bình Dương đồng ý thu hồi 345 ha đất của Công ty Cao su Phước Hòa để thực hiện Dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2.
Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cũng gửi thông báo mời sơ tuyển nhà đầu tư 3 dự án khu công nghiệp mới tại TP. Đà Nẵng, gồm: Khu công nghiệp Hòa Nhơn (360 ha); Khu công nghiệp Hòa Cầm 2 (120 ha); Khu công nghiệp Hòa Ninh (400 ha).
TP HCM đặt mục tiêu tăng thêm 650 ha công viên
Tình trạng này cũng diễn ra tại các quận 9, 12, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn… bởi không có công viên công cộng diện tích lớn phục vụ người dân.
Trung tâm TP có nhiều mảng xanh hơn, song một số nơi bị lấn chiếm, nhếch nhác. Điển hình như Công viên 23 tháng 9 (quận 1) thời gian dài bị các công trình xây dựng, quán cà phê, mua sắm, dịch vụ… bủa vây. Giữa năm 2019, Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu các đơn vị liên quan phải trả mặt bằng để công viên này chỉnh trang, cải tạo kết nối với tuyến Metro Số 1.
Theo Sở Xây dựng, diện tích công viên công cộng nằm trong quy hoạch của TP lên đến 11.400 ha với chỉ tiêu bình quân 7m2 mỗi người dân. Tuy nhiên, kết quả rà soát mới đây cho thấy diện tích công viên chỉ hơn 500 ha, tương ứng khoảng 0,55m2 mỗi người, bằng 1/16 lần so với Singapore (8m2 công viên, cây xanh cho mỗi người).
Với tốc độ phát triển chỉ 1,54 ha diện tích công viên mỗi năm như hiện nay, TP sẽ mất nhiều thời gian để phủ xanh hàng nghìn ha đất quy hoạch công viên còn lại. Trước thực trạng này, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP phê duyệt đề án Phát triển công viên và cây xanh công cộng giai đoạn 2020-2030 với mục tiêu tăng diện tích công viên, cây xanh trên đầu người từ 0,55m2 lên 0,65m2 vào năm 2025 và một m2 vào năm 2030.
Dự kiến năm 2030, TP tăng thêm 650 ha đất cho công viên. Để đạt mục tiêu này, Sở Xây dựng rà soát toàn bộ khu đất được quy hoạch làm công viên trong các đồ án quy hoạch 1/500, 1/2.000 các quận, huyện. Tùy theo tính chất từng lô đất, Sở sẽ đề xuất lập dự án xây dựng hoặc kêu gọi đầu tư làm công viên.
Những công viên công cộng có quy mô lớn (trên 10 ha) sẽ được khuyến khích xã hội hóa. Chủ đầu tư có thể xây dựng xen cài, khai thác các khu vui chơi có thu phí nhưng phải có một phần diện tích làm công viên công cộng. Các công trình khai thác trong công viên như quán giải khát, nhà vệ sinh, bãi xe… không được thay đổi chức năng chính của công viên.
Chủ đầu tư các dự án nhà ở phải hoàn thiện các dự án công viên, cây xanh theo đúng quy mô trong đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/500. Đến năm 2025, các quận trung tâm sẽ trồng mới khoảng 30.000 cây xanh; năm 2030 trồng 50.000 cây. Các dự án đầu tư có công trình công viên, phát triển cây xanh sẽ được hưởng chính sách ưu đãi.
Theo Sở Xây dựng, ngoài huy động nguồn lực trong nước, cần phải học hỏi những tổ chức nước ngoài có kinh nghiệm xây dựng, phát triển công viên. Sở đề xuất UBND TP hợp tác với Ủy ban Quản lý nhà nước lĩnh vực công viên cây xanh (National Park) tại Singapore trong việc đào tạo cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý, chăm sóc công viên…
P.V (tổng hợp)