Rất nhiều trong số họ chọn cách “cầm hơi” để mong dịch đi qua. Và rất có thể, nếu không được “tiếp sức” về nguồn lực tài chính thì khá nhiều doanh nghiệp sẽ “rơi rụng” hậu Covid-19.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc lao đao vì dịch Covid-19
Vốn đã chịu ảnh hưởng bởi nguồn cung đi xuống trong vòng 2 năm qua do thủ tục pháp lý gây tắc nghẽn dự án chưa qua thì các doanh nghiệp BĐS lại phải đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid -19. Rất nhiều doanh nghiệp đã và đang “cầm chừng” hoặc một phần đã đóng cửa vì không thể trụ nổi khi nguồn lực tài chính cạn kiệt, không có sản phẩm bán ra. Hoặc có sản phẩm cũng không thể bán được trong bối cảnh hiện nay.
Có lẽ, bài toán dài hơi của thị trường BĐS vẫn là sự lệch pha cung-cầu chưa được tháo gỡ do khủng hoảng pháp lý kéo dài, còn câu chuyện ngắn hạn là chi phí, tài chính để doanh nghiệp địa ốc có thể “sống” được qua thời điểm khắc nghiệt này.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài, tác động nặng nề đến các lĩnh vực kinh tế khác nhau với dự báo khoảng 70% doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn lớn trong việc duy trì hoạt động.
Tại buổi gặp mặt với Thủ tướng diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG đã công bố những con số đáng kinh ngạc khi mà chỉ tính từ cuối tháng 1 đến nay, ước tính thiệt hại ở mảng kinh doanh khách sạn của Tập đoàn này lên tới 100 tỷ đồng với 12.000 phòng đã bị hủy, thiệt hại ở mảng kinh doanh sân golf là 11 tỷ đồng.
Trong khi đó, tập đoàn Sun Group đang phải đối mặt với tình trạng hàng loạt khu nghỉ dưỡng, công viên giải trí không có khách. Khách du lịch giảm tới 2 triệu lượt và có thể sau nửa đầu năm, lượng khách giảm sẽ lên tới con số 7 triệu. Với việc mảng kinh doanh này chiếm tới 70% doanh thu, thiệt hại dự kiến của Sun Group trong 2020 là khoảng 1.200 tỷ đồng. Thêm vào đó, các điểm kinh doanh của Sun Group ở Quảng Ninh cũng đã phải đóng cửa do lệnh đóng cửa của UBND tỉnh, điều này làm tăng thêm con số âm về doanh thu của Tập đoàn.
Nhiều doanh nghiệp đã lâm vào thế khó do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Hay, theo đại diện Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn hoạt động đa ngành nghề và các ngành đều bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19. Riêng về du lịch, dịch làm ảnh hưởng việc làm của hơn 18.000 cán bộ nhân viên tại các khu nghỉ dưỡng nhưng vẫn phải duy trì lương cho số lượng người này, lỗ khoảng 3.000 tỷ.
Tất cả các lĩnh vực kinh doanh khác như BĐS, giáo dục của Tập đoàn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Trước tình hình “khó chồng khó”, Tập đoàn này đề xuất kéo dài thời gian gia hạn thuế là 1 năm thay vì 5 tháng như hiện nay bởi ảnh hưởng của dịch bệnh còn kéo dài; đồng thời thực hiện giãn thuế tiêu thụ đặc biệt, miễn tiền thuê đất năm 2020 với cơ sở lưu trú.
Quả thực, nhìn những con số mà các doanh nghiệp lớn nêu ra, thậm chí là có thể dùng đến từ “kêu cứu” để thấy rõ những khó khăn mà họ đang phải trải qua. Có lẽ đã đến lúc khó khăn vượt sức chịu đựng đã khiến họ phải nói ra.
Theo thông tin nghiên cứu của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV mới đây, số doanh nghiệp kinh doanh BĐS tạm ngừng hoạt động tăng mạnh nhất (94,1%) trong quý 1/2020 so với cùng kỳ năm 2019. Báo cáo mới đây của JLL Việt Nam cũng chỉ ra, có 6 lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành giảm mạnh nhất là nghệ thuật, vui chơi giải trí, giảm 22.5% và kinh doanh bất động sản giảm 12%. Chỉ tính riêng các sàn giao dịch bất động sản, trong 2 tháng đầu năm, dưới tác động của dịch Covid-19 và sự chậm trễ trong vấn đề pháp lý đã khiến cho 500 sàn (trong tổng số 1.000 sàn) trong cả nước phải đóng cửa một phần, hoặc toàn phần.
Cần “liều thuốc” đặc trị
Trước mắt, để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp BĐS do tình hình dịch Covid-19, một số chính sách ưu đãi của Chính phủ đã được ban hành. Các ưu đãi sẽ bao gồm giảm thuế, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thêm vào đó, gói tín dụng 250.000 tỷ đồng sẽ được đưa ra để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí…
Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát và cắt giảm các thủ tục hành chính và đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch TTC, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng Chính phủ đã có chủ trương ban hành gói hỗ trợ tài khóa, và cần triển khai trong thực tiễn sớm nhất có thể. “Đề xuất gia hạn nộp thuế thu nhập DN, giá trị gia tăng và tiền thuê đất cho các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 về cơ bản được Chính phủ nhất trí. Do vậy, cần phải thông qua sớm nhất có thể”, ông Đặng Hồng Anh kiến nghị.
Không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà các tập đoàn BĐS lớn cũng lao đao vì dịch Covid-19
Song song với việc ban hành các chính sách miễn giảm, theo ông Đặng Hồng Anh Chính phủ và các bộ, ngành nên tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận kịp thời các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.
Các doanh nghiệp kỳ vọng, Chính phủ tập trung nhiều giải pháp để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh. Thực hiện giảm thuế, miễn thuế, chi phí thuê mặt bằng thay vì chỉ là giãn, tạm hoãn. Nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ đã ban hành và có giải pháp bình ổn giá nguyên vật liệu, ngừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra trong thời gian này, ổn định lạm phát. Bên cạnh đó, có thể đẩy mạnh việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực có chi tiêu công của Nhà nước.
Còn quan điểm của bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, đi kèm với lệnh cách ly toàn xã hội, cần phải có các giải pháp đi cùng để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và an toàn cho doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết chúng ta cần sự chung tay trợ lực của mỗi người, mỗi doanh nghiệp và chính phủ để chúng ta vượt qua tháng 4 đỏ lửa này. Đặc biệt, theo bà Hương các bên phải làm trong tinh thần quyết liệt và nhanh chóng để những hỗ trợ đi vào hiện thực một cách sớm nhất.
Vị CEO này đề xuất các giải pháp để cứu doanh nghiệp BĐS nói riêng, các lĩnh vực khác nói chung. Cụ thể, các chủ mặt bằng, chủ nhà cho thuê giảm 50% hoặc miễn thu tiền mặt bằng, tiền nhà trong tháng 4; Miễn/giảm các khoản lãi vay trong 2-3 tháng hoặc ân hạn nợ gốc; Ân hạn thanh toán các khoản đến hạn theo HĐ tối thiểu 30 ngày; Giảm giá, ưu đãi lớn cho các đối tác chiến lược, bạn hàng lâu năm; Xem xét, đàm phán các điều khoản hỗ trợ trong việc thực hiện HĐ; Giảm chi phí quảng cáo, giao hàng; Giảm giá lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu; Giảm giá điện, giá nước; Miễn/giảm thuế thu nhập; Giãn thu các khoản bảo hiểm cho doanh nghiệp và người lao động.
Thể hiện quan điểm của mình, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho rằng, nút thắt lớn nhất của doanh nghiệp địa ốc hiện nay là pháp lý. Việc nguồn cung trên thị trường thời gian qua khan hiếm xuất phát từ câu chuyện ách tắc, vướng mắc thủ tục pháp lý, cũng như đình trệ bởi các hoạt động rà soát, thanh tra, kiểm tra nhiều năm nay.
“Chỉ khi nào hoàn thiện pháp lý thì mới bàn tới câu chuyện chủ đầu tư tự phát triển, mua bán sát nhập. Còn nếu dịch bệnh có qua đi mà vấn đề pháp lý chưa giải quyết triệt để, chưa “sạch” để triển khai thì câu chuyện khó khăn vẫn tiếp diễn. Dịch bệnh diễn biến phức tạp gây khó khăn trong ngắn hạn và sẽ được khống chế, trong khi nút thắt pháp lý không được tháo gỡ sẽ gây khó khăn cho thị trường trong dài hạn”, ông Khương nhấn mạnh.