Mới đây, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã có Văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài Chính, trong đó kiến nghị rà soát nhằm xây dựng đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, bịt kín các lỗ hổng, để đủ điều kiện khởi động lại phương thức đầu tư dự án theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT)”.
Ảnh minh họa. |
HoREA rất hoan nghênh Quốc hội đã thông qua “Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư” (Luật PPP), nhằm huy động các nguồn lực thuộc khu vực tư nhân cùng hợp tác với Nhà nước thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ, theo nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng.
“Khoản 5 Điều 101 Luật PPP quy định xử lý chuyển tiếp các dự án BT, rất phù hợp với thực tiễn và có lý có tình.
Nhất là, điểm c Khoản 5 Điều 101 Luật PPP sẽ tháo gỡ được các ách tắc, vướng mắc trong “việc triển khai thực hiện dự án, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết”, do hiện nay, một số nhà đầu tư dự án BT gặp khó khăn, vướng mắc, do chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương thanh toán khối lượng đã thực hiện, hoặc chưa được bàn giao quỹ đất để thực hiện “dự án khác”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị việc dừng triển khai dự án BT nên giới hạn trong khoảng năm 2020-2022, để có thời gian xem xét, rà soát, xây dựng đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT).
Trọng tâm là rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (bao gồm Nghị định 63/2018/NĐ-CP và Nghị định 69/2019/NĐ-CP); Luật Đầu tư công; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Đấu thầu; Luật Đấu giá tài sản, nhằm bịt kín các lỗ hổng, đủ điều kiện để khởi động lại các dự án BT, để vừa đảm bảo tính khả thi, chặt chẽ và hiệu quả, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và lợi ích công cộng.